Động đất ở Kon Tum có thể kéo dài hàng chục năm

  •  
  • 121

Do khu vực xảy ra động đất nằm trên cùng một đới đứt gãy với cấu trúc địa chất tương đối giống nhau, các nhà khoa học lo ngại động đất kích thích ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có thể kéo dài cả chục năm như động đất kích thích từng xảy ra ở thuỷ điện sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam.

Sau hai ngày (28-29/7) ghi nhận liên tiếp 46 trận động đất, từ hôm qua động đất có dấu hiệu giảm dần ở điểm nóng Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là khoảng lặng tạm thời trước khi chuỗi trận động đất tiếp theo có thể xảy ra ở khu vực này, liên quan chặt chẽ đến quá trình tích nước của các hồ chứa thủy điện.

Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là tâm chấn của các trận động đất trong những ngày qua. (Ảnh: TL)

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, hoạt động của động đất kích thích liên quan chặt chẽ đến hoạt động tích nước của các hồ chứa. Tuy nhiên cần có nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động, mối quan hệ giữa hoạt động tích nước và động đất kích thích. “Hôm nay hồ chứa tích nước nhưng việc ảnh hưởng có thể sau đó vài tháng, thậm chí mất vài năm nước ngấm xuống dưới mới gây ra động đất”, TS Xuân Anh nêu.

Chuyên gia này cũng cho rằng, động đất kích thích tại Kon Plông có khả năng kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm, sau đó mới ổn định, tương tự như động đất kích thích xảy ra tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam do hai khu vực này cùng nằm trên một đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới và có cùng cấu tạo địa chất trên nền đá biến chất.

Tại khu vực thuỷ điện sông Tranh 2, động đất bắt đầu từ năm 2012, kéo dài hơn 10 năm qua với cả nghìn trận động đất, gần đây mới có dấu hiệu chấm dứt. Trận động đất lớn ghi nhận được ở khu vực này là 4.7 độ, từng gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn, gây xáo trộn đời sống người dân trong khu vực.

Tiếp tục nghiên cứu

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, trận động đất kích thích lớn nhất ghi nhận được ở Kon Tum là 5.0 độ, trong khi ở thuỷ điện sông Tranh 2 là 4.7 độ. Điều này cho thấy, động đất kích thích ở khu vực Kon Tum có thể phức tạp hơn. Chuyên gia này lý giải, bên cạnh hoạt động của đới đứt gãy và cấu tạo địa chất trong khu vực, hoạt động động đất kích thích còn chịu tác động của quy mô hồ chứa.

Quy mô hồ chứa càng lớn, hoạt động tích nước thường xuyên sẽ khiến động đất kích thích lớn hơn về cường độ, kéo dài hơn về thời gian. PGS Triều lưu ý, trên cùng đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới, động đất kích thích cũng từng xảy ra tại thuỷ điện Đắk Đrinh của Quảng Ngãi nhưng do hồ chứa có quy mô nhỏ hơn nên thời gian xảy ra động đất kích thích ngắn, độ lớn cũng nhỏ hơn. PGS Triều cho rằng, cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ hơn về hoạt động của đới đứt gãy, cấu tạo địa chất trong khu vực cũng như tác động của tích nước đến động đất trong khu vực này.

Các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế động đất và cường độ của động đất trong tương lai, nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thuỷ điện, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất ở khu vực này với 11 trạm. Đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực cũng đã được phê duyệt và đang triển khai. Đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan động đất kích thích ở khu vực này trong thời gian tới.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, động đất sẽ còn tiếp diễn ở khu vực này, có thể ảnh hưởng đời sống người dân cũng như công trình trọng điểm, nhất là ở vùng tâm chấn. Vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình yếu có nguy cơ chịu tác động và đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho công trình cũng như nhà dân, tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân. TS Xuân Anh cho biết Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn tại Kon Tum cũng như khu vực lân cận, đồng thời thông báo kịp thời về động đất đến chính quyền và người dân trong khu vực.
Cập nhật: 31/07/2024 Tiền Phong
  • 121