Động vật cũng tự tử như con người

  •  
  • 6.765

Nhiều loài động vật có những tập tính kỳ lạ như tự tử tập thể, hay luôn hướng đầu về cực bắc khi ăn.

Cũng giống như con người, động vật cũng có rất nhiều những hành động và khả năng đặc biệt đến mức thật khó hiểu tùy theo giống loài và tính cách của chúng. Rõ ràng Trái đất là một hệ sinh thái đa dạng và để hiểu hết về các loài động vật trong tự nhiên không phải điều đơn giản. Có một số động vật trên Trái đất này có những thói quen khá kì lạ trong việc đối xử với chính đồng loại, bạn tình hoặc với con cái chúng.

Một số khác lại thực hiện các nghi lễ trước khi làm một việc quan trọng mà nếu nhìn thấy chúng ta cũng chả hiểu nó mang ý nghĩa gì. Tuy nhiên có thể tất cả chúng đều có lý do của mình. Sau đây, xin được giới thiệu về một số hành động kì lạ của một số loài động vật mà chúng ta chưa biết tới.

Những chú rùa thích màu sắc sặc sỡ

Rùa là một loài động vật có tính chất khá trầm lặng. Chúng sử dụng lớp vỏ cứng để tự bảo vệ mình khỏi thú ăn thịt. Để tìm thức ăn và nơi trú ẩn hợp lý, loài rùa thường dựa vào đôi mắt và khả năng quan sát của mình. Trong thực tế, đôi mắt chiếm một vị trí cực kì quan trọng với loài này. Không như với nhiều động vật khác có thể đánh hơi, cảm nhân mùi vị, rùa chủ yếu sử dụng mắt để nhìn nhận mọi thứ xung quanh.

Động vật cũng tự tử như con người

Và điều thú vị là qua các nghiên cứu, con người chúng ta đã nhận thấy rằng rùa có vẻ như bị thu hút bởi những màu sắc sặc sỡ như đỏ, cảm và vàng. Khi tìm được nhiều thức ăn thuộc chủng loại và màu sắc khác nhau, chúng sẽ chọn ăn những thức ăn có màu sắc ưa thích trước tiên chứ không phụ thuộc nhiều vào chủng loại cho lắm. Tất nhiên là điều đó xảy ra trong trường hợp chúng có thể thoải mái lựa chọn. Dù thế nào thì đây cũng là một phát hiện khá thú vị và mới mẻ.

Động vật tự tử

Tự sát hay còn gọi là tự tử là một vấn đề nan giải trong thế giới loài người hiện đại. Đây là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình. Tự sát thường có liên hệ với trạng thái tuyệt vọng, hoặc do một số rối loạn tâm thần cơ bản bao gồm: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện rượu và lạm dụng ma túy. Xã hội càng phát triển, càng có nhiều người tự sát do những vấn đề về tâm lý khó giải tỏa. Hơn một triệu người chết do tự sát mỗi năm. Và đối với thế giới động vật, việc tự sát cũng xảy ra, thậm chí không hề hiếm.

Những vụ tự sát của động vật bắt đầu được con người ghi nhận vào năm 1845 tại London. Tờ London News lúc đó có đưa tin, một chú chó thuộc giống Newfoundland đã cố gắng tự sát trong nhiều ngày - nó ném mình xuống nước hay tự dìm mình xuống đáy hồ. Người chủ đành gửi con vật tới một bác sĩ thú y để giúp nó lấy lại cân bằng, nhưng sau đó con chó đã chạy trốn rồi đâm đầu vào một chiếc xe đang đi trên đường.

Tại Scotland vẫn ghi nhận hiện tượng kì lạ xảy ra suốt mấy chục năm nay. Đó là việc các chú chó mõm dài như collie, retriever và labrador liên tục tự sát tại Overtoun, Scotland. Trong vòng 50 năm, hơn 50 con chó đã nhảy xuống và chết ở cầu Overtoun. Điều kỳ lạ nữa là những con chó chết ở đây đều nhảy cùng một vị trí.

Động vật cũng tự tử như con người

Theo thời gian, số lượng các vụ động vật tự sát ngày một nhiều và đáng sợ hơn. Ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình vào bờ rồi nằm phơi thân trên bãi biển khô, nóng. Nhiều du khách và nhân viên cứu hộ đã cố gắng đưa chúng ra lại biển nhưng các chú cá heo khác lại tiếp tục đâm đầu vào bờ một cách khó hiểu.

Vào năm 2005, rất nhiều người đã chứng kiến một sự kiện kì lạ, gần 1.550 con cừu nhảy xuống một vách đá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các mục đồng choáng váng trước hiện tượng này. Và dù đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng những con cừu vẫn điên cuồng lao xuống vực. Gần 450 con chết ngay tức khắc, 1.100 con còn lại bị tàn tật, thương nhẹ do nằm đè lên xác của những con đã chết trước đó. Tuy nhiên chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.

Đa phần các chuyên gia đều cho rằng, động vật không hề có khả năng tự sát vì những lý do xã hội giống con người, mà tất cả chỉ là sự rối loạn thần kinh tạm thời dẫn tới hành động không thể kiểm soát. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thần kinh như bệnh tật, chấn thương, tuổi già hay mất định hướng trong không gian.

Ngoài ra, không ít các loài có tập tính tự gây thương tích cho mình khi bị con người lạm dụng. Tập tính này là do chúng bị các tác nhân tiêu cực như căng thẳng, cô lập, sợ hãi, bệnh tật, suy dinh dưỡng và chán nản tác động trong một thời gian dài. Chim trong sở thú khi bị bỏ đói có thể tự tỉa lông của mình đến chết. Động vật linh trưởng khi bị đánh đập có thể cắn vào động mạch để tự sát, hay rõ nhất là việc gấu trong các trang trại nuôi lấy mật tự sát.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, việc tự sát hàng loạt của động vật liên quan tới khả năng dự đoán trước thiên tai của chúng. Những con vật tự thấy mình không thích nghi sẽ tự sát để các con khác được tồn tại, giúp cho giống nòi có thể vượt qua các hiểm họa đáng sợ.

Trâu bò luôn quay đầu về phía cực Bắc khi gặm cỏ

Động vật cũng tự tử như con người

Những hình ảnh từ Google Earth cho thấy trâu, bò có xu hướng đứng theo trục bắc-nam, trong đó đầu của chúng hướng về phía bắc. Nhiều nhà khoa học nhận định rằng từ trường của Trái đất có thể tác động tới hành vi của những con vật. Trên thực tế, Trái đất là một cục nam châm khổng lồ, với cực bắc và cực nam nằm sát hai địa cực. Nhiều động vật - trong đó có chim và cá hồi - sử dụng từ trường Trái đất để định hướng trong quá trình di cư. Một số nghiên cứu cũng chứng minh rằng dơi, một động vật có vú, cũng có khả năng định hướng nhờ từ trường.

Tiến sĩ Sabine Begall và cộng sự thuộc Đại học Duisburg-Essen (Đức) tiến hành nghiên cứu gia súc để tìm hiểu xem chúng có khả năng định hướng dựa vào từ trường Trái đất hay không. Họ thu thập ảnh của 8.510 con trâu, bò tại 308 đồng cỏ trên khắp hành tinh thông qua Google Earth. Các con vật được chụp ở nhiều tư thế: gặm cỏ, nằm nghỉ, đứng trong đàn, cho con bú. Do toàn bộ ảnh được chụp từ vệ tinh nên rất khó tìm được những ảnh có độ phân giải cao.

Các chuyên gia không thể phân biệt được đầu và đuôi các con vật, nhưng họ nhận thấy chúng có xu hướng đứng theo trục bắc-nam. Cuối cùng họ kết luận rằng, từ trường của Trái đất là tác nhân chính khiến gia súc có xu hướng quay mặt về phía bắc. Điều đó giải thích tại sao tổ tiên của chúng có thể thực hiện những chuyến di cư dài hàng nghìn km từ châu Phi tới châu Á và châu Âu.

Sự kì lạ của loài hồng hạc

Hầu như không có loài chim nào đẹp như chim hồng hạc - loài chim nhiệt đới có bộ lông chuyển từ màu hồng rạng rỡ đến màu đỏ rực cháy như mặt trời lặn. Với cái cổ dài cong cong hình chữ S và cặp chân dài nhất, mảnh nhất trong mọi loài chim, hồng hạc có vẻ ngoài duyên dáng đến mức kỳ diệu.

Động vật cũng tự tử như con người

Nhưng loài chim này có những kiểu đi và đứng rất khác thường. Khi đứng, chúng chỉ đứng trên một chân. Khi đã mỏi, nó liền chuyển trọng lượng thân mình sang chân kia. Khi chúng đi, một chân gập lại, khiến cho thân mình hạ xuống ngang gối, rồi chúng nhấc bàn chân lên theo hướng vuông góc với mặt đất, ngón chân chĩa xuống, và bước tới. Toàn bộ quá trình lặp lại với chân kia. Với cung cách đó, hồng hạc hầu như không gây ra một gợn sóng trong vùng nước ấm mà nó lội qua.

Hồng hạc phải đi rón rén như vậy vì một lý do rất chính đáng. Phần lớn thời gian lội nước của chúng là để tìm thức ăn dưới đáy nước. Cặp chân dài cho phép nó lội xuống vùng nước sâu, và cái cổ dài giúp nó hụp xuống dưới mặt nước để tìm những con sò và ốc nhỏ xíu bằng cái mỏ khoằm. Hồng hạc mò cua ốc trong tư thế đầu lộn ngược. Thực sự thì nhìn chúng giống như những nghệ sĩ xiếc điêu luyện vậy.

Theo Genk, Therichest
  • 6.765