Đưa hạt nhân vào vũ trụ: Châu Âu tin Nga hơn Mỹ

  •  
  • 3.231

Châu Âu đang hợp tác với Nga dùng tên lửa hạt nhân ngăn chặn tiểu hành tinh va chạm Trái Đất dù trước đó Mỹ cũng sử dụng phương pháp này.

Theo The Telegraph, chương trình do Ủy ban châu Âu tài trợ mang tên NEOShield (Lá chắn vật thể gần Trái Đất) đang phối hợp với Viện nghiên cứu không gian của Nga để tìm cách đưa một đầu đạn hạt nhân vào không gian.

"Công việc được phân chia cho các thành viên đến từ nhiều nước và tổ chức khác nhau, trong đó Nga có nhiệm vụ nghiên cứu làm chệch hướng vật thể vũ trụ nguy hiểm bằng vụ nổ hạt nhân", Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về các loại máy xây dựng (TsNIIMash), thuộc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, cho biết trong thông cáo báo chí hôm 16/1.

Mô phỏng dùng vũ khí hạt nhân làm nổ thiên thạch.
Mô phỏng dùng vũ khí hạt nhân làm nổ thiên thạch. (Đồ họa: Phòng thí nghiệm Los Alamos).

Theo các nhà khoa học, phương pháp an toàn nhất là thực hiện vụ nổ khi tiểu hành tinh vẫn còn ở trong vũ trụ, khiến nó thay đổi đường đi và hướng ra ngoài Trái Đất. Vụ nổ hạt nhân gần sao chổi hoặc thiên thạch sẽ đốt cháy một phần khối lượng thiên thể, tạo ra hiệu ứng phản lực làm thay đổi quỹ đạo của chúng.

Nga đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm cảnh báo sớm để quét bầu trời, giúp tìm kiếm các vật thể có nguy cơ va chạm với Trái Đất.

Trong bản phác thảo những mục tiêu không gian mới của Nga đến năm 2025, TsNIIMash cho biết sẽ sử dụng 4 vệ tinh quan sát và phát triển phần mềm đặc biệt nhằm theo dõi các tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm.

"Đây là ý tưởng độc đáo và hiệu quả nhất để chủ động phát hiện ra những thiên thể nguy hiểm từ 30 ngày hoặc sớm hơn, trước khi nó bay vào bầu khí quyển Trái Đất", đại diện TsNIIMash nói.

Những đề xuất khác cũng được đưa ra như thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh bằng cách đâm tàu vũ trụ hoặc dùng lực hấp dẫn nhỏ giữa tiểu hành tinh và phi thuyền ở gần để chuyển nó sang quỹ đạo khác.

Thực chất, việc triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian bị cấm theo Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967.

"Nếu tiểu hành tinh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sự sống trên Trái Đất, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ một cách tự nhiên", TsNIIMash khẳng định.

Việc Nga tham gia vào chương trình nghiên cứu đưa hạt nhân vào vũ trụ của Châu Âu đã thể hiện phần nào thái độ của nhóm 60 nước với năng lực nghiên cứu khoa học vũ trụ của Nga.

Vệt khói từ đuôi của một thiên thạch quét qua thành phố Chelyabinsk (Nga) hồi 2013.
Vệt khói từ đuôi của một thiên thạch quét qua thành phố Chelyabinsk (Nga) hồi 2013.

Trong khi đó, ý tưởng sử dụng các đầu đạn hạt nhân để ngăn chặn các tiểu hành tinh từ bên ngoài có khả năng va chạm vào Trái Đất đã được Mỹ đưa ra từ trước đó.

Hồi đầu năm 2014, nhật báo Wall Street Journal cho hay, Cơ quan quản lý nguyên tử quốc gia (NNSA) trực thuộc Bộ năng lượng Hoa Kỳ vừa quyết định sẽ lưu trữ một số lượng đầu đạn hạt nhân nhất định nhằm ngăn chặn nguy cơ các thiên thạch có thể đâm vào Trái Đất và hủy diệt sự sống trong tương lai.

Nhật báo này cũng đưa tin, một văn bản dài 67 trang đã được Cơ quan quản lý nguyên tử quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ thông qua.

Theo đó, thay vì tiêu hủy các đầu đạn và trang thiết bị vũ có liên quan tới vũ khí nguyên tử theo định kỳ, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục lưu trữ và duy trì chúng nhằm sẵn sàng bảo vệ Trái Đất khi xuất hiện mối đe dọa từ các thiên thạch ngoài Trái Đất.

Chính phủ Mỹ từng tuyên bố rằng dù phải mất hàng triệu năm nữa thì thiên thạch mới tiến gần đến Trái Đất nhưng công tác chuẩn bị phải được thực hiện ngay từ bây giờ và động thái trên đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tuyên bố đó.

Tuy rằng, việc nghiên cứu tìm ra phương pháp dùng hạt nhân tạo hàng rào phòng thủ Trái Đất được Mỹ và Nga cùng phối kết hợp song động thái mới từ châu Âu khiến người ta không khỏi cho rằng châu Âu đã đánh giá phía Nga cao hơn một bậc so với Mỹ dù cùng là đồng minh trên nhiều mặt trận.

Cập nhật: 28/01/2016 Theo Báo Đất Việt
  • 3.231