Ecuador tuyên chiến với "chuột ngoại xâm"

  •  
  • 1.879

Giới chức Ecuador phát động chiến dịch tiêu diệt hàng trăm triệu con chuột trên quần đảo Galapagos để bảo vệ các loài sinh vật khác.

Khi những tàu của cướp biển và thợ săn cá voi tới quần đảo Galapagos của Ecuador trong thế kỷ 17, họ mang theo những con chuột Na Uy và chuột đen. Sau đó lũ chuột ngoại lai sinh sôi với tốc độ rất nhanh. Chúng ăn trứng và con non của các loài khác trên đảo - như rùa khổng lồ, thằn lằn, rắn, chim ưng, giông mào. Chuột cũng tiêu diệt những cây mà động vật ăn. Một số loài chim đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng bởi sự tàn phá của chúng. Thực trạng đó buộc giới chức Ecuador phát động chiến dịch diệt chuột tới tận năm 2020.

Một máy bay trực thăng thả 22 tấn bả độc lên đảo Pinzon và Plaza Sur thuộc quần đảo Galapagos từ ngày 15/11 tới cuối tháng. Sự kiện này mở màn giai đoạn thứ hai trong chiến dịch tiêu diệt chuột ngoại lai trên quần đảo.

Trực thăng của Công viên quốc gia Galapagos chở các thiết bị thử nghiệm bả chuột trên đảo Baltra, quần đảo Galapagos vào ngày 11/11.
Trực thăng của Công viên quốc gia Galapagos chở các thiết bị thử
nghiệm bả chuột trên đảo Baltra, quần đảo Galapagos vào ngày 11/11.

Theo tính toán của các chuyên gia, số lượng chuột trên đảo Pinzon - có diện tích 1.812 ha - có thể đạt tới 180 triệu.

“Sự hoành hành của chuột là một trong những vấn đề tồi tệ nhất trên quần đảo Galapagos. Cứ ba tháng chúng sinh con một lần và chúng ăn mọi thứ”, Juan Carlos Gonzalez, một chuyên gia bảo tồn thiên nhiên của công viên quốc gia Galapagos, phát biểu.

Trước đó, trong giai đoạn một của chiến dịch, trực thăng đã thả bả chuột lên hơn 10 đảo thuộc Galapagos. Isabela và Santa Cruz, hai đảo có người, sẽ là mục tiêu trong giai đoạn ba của chiến dịch. Bả chuột được đựng trong những hộp nhỏ màu xanh dương, màu mà chuột thích nhưng lại không thu hút sự chú ý của những loài khác. Sau khoảng một tuần những chiếc hộp sẽ phân hủy.

“Đây là một cuộc chiến tốn kém nhưng cần thiết”, Gonzalez nói.

Các chuyên gia nhốt 34 con chim ưng trên đảo Pinzon và 40 con giông mào trên đảo Plaza Sur để chúng không ăn bả. Chúng sẽ được thả vào đầu tháng 1.

Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, đã thăm quần đảo Galapagos trong một chuyến du lịch vòng quanh thế giới từ năm 1831 tới 1836. Ông phát hiện ra rằng động vật hoang dã ở đây đã tiến hóa hoàn toàn độc lập với phần còn lại của trái đất, với nhiều loài độc nhất vô nhị. Chính vì vậy, quần đảo này đã trở thành một mô hình nghiên cứu tiến hóa lý tưởng của các nhà khoa học.

Theo VNE
  • 1.879