Một nghiên cứu mới đây về loài gấu trắng vùng cực cho thấy khả năng tránh được bệnh tim mạch của chúng tốt hơn rất nhiều lần so với con người, bất chấp việc chúng là một trong số những động vật béo nhất thế giới.
Eline Lorenzen, một trong những nhà nghiên cứu thuộc Đại học California ở Berkeley cho biết: "Cuộc đời của một con gấu trắng chỉ xoay quanh chất béo. Khi còn nhỏ, chúng bú sữa mẹ chứa tới 30% chất béo, và khi lớn lên, chúng lại nạp chủ yếu chất béo từ những con mồi là động vật có vú của mình như hải cẩu. Chúng có lớp mỡ rất dày dưới da, và bởi môi trường sống không cho phép chúng tiếp cận với nước sạch hầu hết thời gian nên chúng phải dựa vào dịch nội tiết-một phụ phẩm của quá trình chuyển hóa mỡ".
Lorenzen và các đồng nghiệp đã nghiên cứu các mẫu gene của 79 con gấu trắng ở Greenland và 10 con gấu nâu từ các địa điểm khác nhau trên thế giới để tìm hiểu lý do nào khiến gấu trắng phải tiến hóa việc nạp nhiều mỡ vào cơ thể.
Ảnh: Discovery News
Đầu tiên, họ phát hiện ra gấu trắng và gấu nâu phân nhánh tiến hóa từ cách đây chưa tới 500.000 năm, tức là muộn hơn rất nhiều so với giả thuyết trước đó là hai loài này phân tách từ 5 triệu năm trước.
"Trong khoảng thời gian ít ỏi đó, gấu trắng đã thích nghi được với điều kiện sống khắc nghiệt ở vùng biển Bắc Cực và định cư được tại một trong những vùng khí hậu khó khăn nhất thế giới", Rasmus Nielsen, một nhà nghiên cứu khác ở Berkeley cho biết.
Một nửa khối lượng cơ thể của gấu trắng là mỡ, và lượng cholesterol trong máu của chúng đủ để gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng ở người.
Nielsen và nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng đột biến gene trong quá trình hình thành chức năng tim mạch đã cho phép gấu trắng nhanh chóng tiến hóa được chế độ ăn uống giàu chất béo mà không làm tăng nguy cơ bệnh tim. Một gene có tên APOB đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển cholesterol từ máu vào tế bào, từ đó làm giảm nguy cơ bệnh tim ở gấu trắng.
"Sự tham gia của gene vào chế độ ăn với lượng mỡ và cholesterol càng ngày càng nhiều lên của gấu trắng chưa từng được đề cập trước đây. Điều này chắc chắn sẽ động viên chúng ta nghiên cứu những nguyên nhân về gen gây ra bệnh tim mạch ở người", đồng tác giả nghiên cứu Eske Willerslev thuộc Đại học Copenhagen chia sẻ.
Nghiên cứu này cũng mở ra hy vọng rằng loài gấu trắng đang sở hữu một loại gene mấu chốt có thể giúp con người chữa trị bệnh tim mạch. Do đó, việc bảo vệ loài động vật này là hết sức cần thiết.
Bệnh tim có thể không đánh gục được chúng, nhưng sự suy giảm chất lượng môi trường sống tại Bắc Cực có thể. Ước tính số lượng gấu trắng trên toàn thế giới hiện chỉ còn khoảng 20000-25000 con.