Giấc ngủ ngắn trước khi thi tốt hơn cố học nhồi nhét

  •  
  • 1.056

Nếu đã từng hoặc sắp trải qua một kỳ thi quan trọng sắp tới, nghiên cứu này chắc chắn nhắc bạn biết việc cần làm nhất trước mỗi bài thi không phải là cố gắng nhồi nhét hết tất cả kiến thức mà chính là việc phải có một giấc ngủ ngắn thật sảng khoái.

Trên thực tế cho tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể chắc chắn về việc tại sao lại có hiện tượng như vậy. Nhưng họ nghĩ rằng, một giấc ngủ ngắn có thể là cách để củng cố ký ức, khiến chúng được lưu trữ lâu hơn trong não bộ của mỗi chúng ta, trái ngược với việc cố gắng nhồi nhét kiến thức chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Theo ScienceAlert, một nhóm nghiên cứu thuộc trường y Duke-NUS, Singapore đã tuyển mộ 72 tình nguyện viên, họ đều được dạy về những chủ đề không mấy quen thuộc liên quan đến loài kiến và cua trong thời lượng 80 phút.

Một giấc ngủ ngắn có thể là cách để củng cố ký ức, khiến chúng được lưu trữ lâu hơn trong não bộ của mỗi chúng ta.
Một giấc ngủ ngắn có thể là cách để củng cố ký ức, khiến chúng được lưu trữ lâu hơn trong não bộ của mỗi chúng ta.

Những người tham gia nghiên cứu sau đó được chia ra thành ba nhóm và họ có thể lựa chọn hình thức nghỉ ngơi, ví dụ như xem phim, ngủ một giấc ngắn hoặc ôn lại bài học, trước khi tiếp tục thực hiện một bài tiết học 80 phút khác về chủ đề này.

Sau bài học thứ hai, nhóm tình nguyện viên được thử làm một bài kiểm tra để đánh giá kiến thức đã thu nạp được từ những tiết học trước. Kết quả khá bất ngờ khi những người đã kịp thời chợp mắt có điểm số cao nhất.

Trong một thí nghiệm lặp lại sau đó một tuần, những người kịp thời ngủ ngắn vẫn tiếp tục giữ điểm số cao nhất. Một phát hiện thú vị khác, những người cố gắng ôn luyện có điểm số cao hơn so với những người xem phim ở thử nghiệm đầu tiên lại chỉ có điểm số ngang bằng với người xem phim trong thử nghiệm thứ hai.

Nhà nghiên cứu Jame Cousins khẳng định với trang New Scientist: "Có thể thấy, nhồi nhét thông tin có thể là tốt và phù hợp trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, lợi ích của chúng có thể không bao giờ tốt như mong đợi".

Việc nhồi nhét thông tin về lâu dài thì lợi ích của chúng có thể không bao giờ tốt như mong đợi.
Việc nhồi nhét thông tin về lâu dài thì lợi ích của chúng có thể không bao giờ tốt như mong đợi.

Lời khuyên của Cousins dành cho học sinh, sinh viên trước mỗi kỳ thi khá đơn giản: "Đừng cố gắng làm bản thân căng thẳng bằng việc ngồi nhét nhiều thông tin vào đầu. Hãy ngủ một giấc ngắn, đó thực sự là điều tốt hơn cả".

Tuy nhiên do quy mô nghiên cứu còn khá hẹp và khoảng cách sát sao giữa những người ngủ ngắn hoặc cố gắng học trước khi thi trong một vài kết quả, do đó nhóm nghiên cứu khẳng định chưa nên vội rút ra kết luận chính xác. Nhóm hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện những nghiên cứu quy mô lớn hơn để củng cố và xác minh lập luận.

Một nghiên cứu hồi năm 2015 cho thấy, mối liên hệ giữa giấc ngủ và tình trạng bộ nhớ được cải thiện khá rõ rệt. Những người tham gia bài thử nghiệm về từ ngữ khi được chợp mắt có gấp đôi cơ hội so với những người cố gắng nhồi nhét thông tin và có thể ngủ gật trong khi thi.

Hãy ngủ một giấc ngắn, đó thực sự là điều tốt hơn cả.
Hãy ngủ một giấc ngắn, đó thực sự là điều tốt hơn cả.

Nghiên cứu khác đến từ các nhà nghiên cứu Brazil cho thấy, giấc ngủ giúp cải thiện hoặc làm suy yếu các kết nối khớp thần kinh trong não bộ. Đây là một cơ chế khá đặc thù và thông minh của bộ não. Khi các kết nối thông tin được não bộ phân tích là hữu ích sẽ liên tục được củng cố và duy trì, trong khi đó, những thông tin sai lệch, ít được sử dụng hoặc được não bộ phân tích không quan trọng sẽ bị loại bỏ để làm luồng thông tin trở nên thông suốt hơn.

Hơn hết trong mọi trường hợp, điều quan trọng nhất là cần nghỉ ngơi đúng lúc và điều độ. Bởi bạn sẽ chẳng thể nào nhận được một kết quả bài thi tốt nếu cơ thể và não bộ không được nghỉ ngơi đầy đủ.

Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Singapore một lần nữa củng cố thêm lập luận của rất nhiều nghiên cứu trước đó về tác dụng của giấc ngủ ngắn đối với não bộ, đặc biệt là việc cải thiện độ tỉnh táo và khả năng tư duy học thuật.

Kết quả nghiên cứu trên đã được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Thần kinh học của Mỹ trong tuần vừa qua.

Cập nhật: 28/11/2016 Theo vnreview
  • 1.056