“Giải cứu” trái đất bằng thực phẩm xanh

  •  
  • 881

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch (COP15) vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke đã từng nhận định: “Năng lượng sạch có thể là cơ hội kinh tế lớn nhất của thế kỷ này”.

Hướng đến nền sản xuất ít carbon

Cụm từ “Biến đổi khí hậu” giờ đây không còn xa lạ bởi những thay đổi phức tạp của thời tiết đã bắt đầu đe dọa đến đời sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới. Điều đáng quan ngại là các hoạt động của con người ngày càng làm tăng mức độ tích tụ khí CO2 trong bầu khí quyển.

Theo cơ quan Năng lượng quốc tế, từ nay đến năm 2050, khí thải CO2 sẽ còn tăng 130%. Và mục tiêu đề ra cho thế giới là cắt giảm 50% khí thải CO2 và phát triển công nghệ xanh nhằm “cứu” trái đất. Do đó, hiện tượng khí hậu bất ổn sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp chưa quan tâm đến khí thải carbon, song lại là cơ hội dành cho những doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Mục tiêu đề ra cho thế giới là cắt giảm 50% khí thải CO2 và phát triển công nghệ xanh nhằm “cứu” trái đất


Có nhiều công ty đã linh hoạt chuyển đổi công nghệ theo hướng gần gũi với môi trường từ lâu. Họ cung cấp những sản phẩm và dịch vụ mới thải ít carbon hơn nhằm làm sạch quy trình sản xuất, làm sạch sản phẩm và giúp thanh lọc cả môi trường. Hàng loạt các ngân hàng hàng đầu như Bank of America, Citigroup… đã công bố những khoản hỗ trợ hàng chục tỉ USD cho các hành trình “xanh hóa”, góp phần vào việc giảm khí thải nhà kính, tìm nguồn năng lượng thay thế và công nghệ sạch.

Trong ngành hàng chuyên biệt như thực phẩm, chuyện công nghệ sạch vốn được nhắc đến từ lâu nay càng trở thành yêu cầu bức thiết bởi các “thượng đế” ngày càng khắt khe hơn khi lựa chọn hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, cái khó của công nghệ sạch trong thực phẩm là phải đảm bảo xuyên suốt trong mọi khâu, từ nông trại đến khi sản phẩm hiện diện trong tay người dùng.

Một ví dụ là từ năm 2005, Arla - một trong những hãng sữa hàng đầu châu Âu đã đầu tư rất lớn trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong mọi khâu, từ cơ sở sản xuất, vận chuyển, nhà sưởi, sản xuất sữa tại các trang trại, đóng gói bao bì bằng sợi/nguyên vật liệu tái chế, thay thế dầu bằng khí tự nhiên cho đến đầu tư công nghệ mới cải thiện hiệu quả quá trình sấy bột sữa… Nhờ đó mà lượng khí thải trong tổng các khâu từ sản xuất, đóng gói và vận chuyển của tập đoàn này đến năm 2007 đã giảm khoảng 100.000 tấn (7,5%). Theo dự tính, con số này sẽ được nâng lên 350.000 tấn (25%) vào năm 2020.

Những lợi nhuận từ công nghệ xanh

Việc đầu tư vào công nghệ sạch sẽ mang đến những lợi ích gì không phải doanh nghiệp nào cũng tường tận. Trong khi nhiều đơn vị còn khá “lơ mơ” về hiệu quả mang lại, thì cũng không ít công ty đã ý thức được những khoản lợi nhuận trong tương lai nếu sử dụng ít carbon và sản xuất xanh.

Chẳng hạn, General Electronics bắt đầu chiến dịch Ecomagination từ năm 2005, chủ yếu hướng đến các sản phẩm nâng cao hiệu suất sử dụng điện năng và thân thiện với môi trường. Nhờ đó mà doanh thu đã tăng 20% so với trước đó. Từ những năm 1990, DuPont cũng đã cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm được hơn 3 tỉ USD trong quá trình này, đồng thời công bố mục tiêu nâng doanh thu hàng năm tăng thêm ít nhất 2 tỉ USD từ những sản phẩm xanh. 

Arla áp dụng công nghệ sạch trong mọi khâu từ chăn nuôi, sản xuất, đóng gói, vận chuyển nhằm đạt mục tiêu giảm 25% khí thải CO2 vào năm 2020


Riêng Arla, bằng chất lượng và công nghệ sạch đã từng nổi danh với vị thế độc quyền kinh doanh “sữa vũ trụ” để cung cấp cho NASA. Đây cũng là một trong những hãng sữa hàng đầu châu Âu và thế giới, được tin dùng tại hơn 180 nước, thậm chí chiếm thị phần lớn ở những thị trường khó tính như Thụy Điển, Anh, Đức…

Có thể nói, công nghệ sạch luôn có lợi, nhất là khi đây là cách gần như duy nhất để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong thời đại “khủng hoảng sự trong lành” như hiện nay. Tại Việt Nam, Arla được biết đến nhiều qua sản phẩm sữa bột Milex, được sản xuất từ một nhà máy duy nhất tại Đan Mạch, chứa cả 3 chủng vi khuẩn có lợi (Probiotics) và chất xơ hòa tan (Prebiotic).

Theo VietNamNet
  • 881