Các nhà khoa học dự báo rất nhiều núi lửa đang "ngủ say" trên khắp thế giới có thể sẽ "tỉnh giấc" và phun trào dữ dội trong năm 2012.
Núi lửa Katla ở Iceland. Chiều cao của núi Katla là 1.500m, đường kính của miệng núi lửa lên đến 10km. Theo dự báo của các nhà khoa học trường đại học Iceland, nước này có thể chứng kiến vụ phun trào của núi lửa lớn nhất trong 100 năm qua. Lần cuối cùng Katla phun trào năm 1918. Các nhà khoa học dự báo, ngọn núi lửa Katla có thể phun trao lớn gấp nhiều lần so với núi lửa Eyjafjallajökull - cách đó chỉ 20km. Trong ảnh là tro bụi thoát ra từ núi lửa Katla.
Núi lửa Gamalama ở Indonesia. Gamalama cao 1.715m, nằm bên trên thành phố Ternate. Vào cuối năm 2011, ngọn núi này đã phun những cột khói đen dày đặc và “nhả” tro bụi xuống thành phố khiến nhiều cư dân sống gần sườn núi phải sơ tán.
Núi lửa Kilauea ở Hawaii. Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới, tọa lạc tại nơi xa xôi của Công viên Quốc gia Núi Lửa trên đảo lớn của Hawaii. Cơ quan địa chất Hoa Kỳ nói rằng núi lửa này tiếp tục phun hoặc sụp đổ mà không có dấu hiệu báo trước.
Núi lửa Trường Bạch ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Nó còn là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong mùa hè, vì ngọn núi này có khí hậu rất mát mẻ và trong lành. Tuy nhiên ngọn núi này có thể thức dậy bất cứ lúc nào.
Núi lửa Mayon ở Philippines. Nằm cách thủ đô Manila khoảng 340km về phía đông nam, Mayon đã phun trào 48 lần kể từ khi người ta bắt đầu ghi lại những lần "thức giấc" của nó. Ngọn núi lửa này đã cướp đi vài nghìn sinh mạng.
Núi lửa St Helens ở Mỹ cao 2.250m, nằm trong "vòng cung lửa" bao quanh Thái Bình Dương, cách Portland 88km về phía đông bắc và là núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 12 núi lửa còn hoạt động của Cascade Range, chuỗi núi lửa trải dài từ bang California đến bang Washington.
Siêu núi lửa Yellowstone ở Mỹ nằm dưới Công viên quốc gia Yellowstone tại Wyoming. Nó đang được các nhà khoa học “nín thở” đưa vào tầm ngắm. Lượng dung nham trong lòng núi lửa đang ngày càng nhích lên cao. Nhiều khả năng ngọn núi lửa sẽ bùng phát với một lực phun trào cực lớn, được dự đoán là sẽ mạnh gấp 1.000 lần so với vụ phun trào kỉ lục năm 1980 của núi lửa St. Helens.
Núi lửa Marsili ở Italy. Nó có chiều cao 3.000m và nằm cách thành phố Naples khoảng 150km về phía tây nam. Nó dài 70km và rộng 30km. Miệng núi lửa nằm cách mặt biển Tyrrhenian chỉ khoảng 450m. Viện Núi lửa và địa vật lý quốc gia Italy (INGV) dự báo nếu bùng nổ, Marsili sẽ tạo ra một cơn sóng thần cực lớn, tấn công bờ biển các vùng Campania, Calabria và Sicily ở miền nam nước Italy.
Núi lửa Merapi ở Indonesia. Kể từ khi trở mình hoạt động từ ngày 26/10/2010, Merapi đã có hàng chục vụ phun khói tro và dung nham tràn ra trên sườn núi. Vùng tử thần đã được vạch ra là 20km cách miệng núi lửa. Giới chuyên gia theo dõi hoạt động của núi lửa Merapi rất lo ngại, không ai biết diễn tiến sắp tới ra sao.