Ngày 4/6, Bộ Y tế có công điện khẩn gửi các Sở Y tế Đồng Tháp, Cần Thơ, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Bình yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm A/H5N1. Các tỉnh nói trên nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành vừa phát hiện tái phát dịch cúm gia cầm.
Trong công điện khẩn, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành trên khẩn trương kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm. Đối với các trường hợp nghi nhiễm cúm ở người, cần cách ly kịp thời.
Các địa phương cần dự trữ đủ hóa chất khử khuẩn, không để dịch lây lan. Ngành y tế các cấp tăng cường giám sát các bệnh nhân nghi ngờ triệu chứng cúm A H5N1 tại tất cả các bệnh viện.
Bệnh nhân H5N1 được chăm sóc tại Viện các bệnh nhiệt đới và lâm sàng quốc gia (Ảnh: L. Hà) |
Bộ Y tế cũng đã giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân H5N1 cho khoa lây của bệnh viện đa khoa 64 tỉnh thành và 3 trung tâm điều trị khu vực tại Hà Nội, TP.HCM, Huế. Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn chỉnh xây dựng 2 phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, đảm bảo an toàn và hiệu quả xét nghiệm virus H5N1.
Liên quan đến các bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, ngày 4/6, TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu điển hình của bệnh cúm A/H5N1 đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Viện các bệnh nhiệt đới và lâm sàng quốc gia (trong đó có 1 bệnh nhân đã tử vong đều cho kết quả xét nghiệm âm tính, tức là không nhiễm virus H5N1). Như vậy, tính đến thời điểm này, sau 17 tháng, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 2 ca dương tính với H5N1.
Khánh Chi