Giờ thì chúng ta đã biết vì sao chó sợ sấm sét

  •  
  • 4.106

Mỗi cơn mưa kèm theo sấm sét là một cuộc hoảng loạn thực sự đối với boss và sen. Boss thì sợ hãi đến phát rồ mà sen chẳng biết lí do vì sao. Nhưng may là khoa học đã vào cuộc và lí giải.

Ai nuôi chó cũng biết rằng 1 trong những nỗi sợ hãi "khét tiếng" của chúng có liên quan đến mưa giông.

Nỗi sợ hãi của chó có liên quan đến mưa giông.
Nỗi sợ hãi của chó có liên quan đến mưa giông.

Theo bác sĩ thú y Terry Curtis từ ĐH Florida, khi sợ hãi, chó sẽ có biểu hiện như cụp tai về sau, đuôi buông thõng, mắt mở to, thở hổn hển, liên tục liếm mũi và há mõm...

Căng thẳng sẽ còn "leo thang" vào những đợt sấm rền. Một số chó thậm chí tự đâm đầu vào tường hay giật nảy người lên. Và nỗi sợ ấy không hề vô cớ một chút nào.

Nguyên nhân đầu tiên: do "boss" quá nhạy cảm mà tiếng sấm thì... quá to!

Trong trường hợp này, có thể nói biết quá nhiều cũng là 1 cái tội! Mức độ nhạy cảm của chó vượt xa con người nên cảm nhận về cơn bão sắp đến cũng nhanh chóng và rõ ràng hơn.

Mùa mưa bão lại tới rồi huhu.
Mùa mưa bão lại tới rồi huhu.

Thật vậy, chó có thể nhận ra suy giảm áp suất khí áp, lại còn thêm chiếc mũi cực nhạy để chỉ ra những thay đổi của môi trường.

Người bạn 4 chân của chúng ta còn nhìn thấy ngoài kia là bầu trời vần vũ, kéo mây kéo gió, nổi sấm từng cơn... Mấy điều này khiến "boss" không khỏi sợ hãi và bức bối.

Đó là chưa kể lúc bình thường, vài chú chó đã cực kỳ "ác cảm" với tiếng ồn rồi nên vừa nghe tiếng sấm đùng đùng giáng xuống là nó giật nảy mình lên luôn!

Nguyên nhân thứ hai khá bất ngờ: tĩnh điện

Chúng ta cứ ngỡ chó chỉ sợ sấm sét nhưng thực ra cơn giông còn đem tới 1 sự khó chịu khác. Theo bác sĩ thú y Nicholas Dodman từ ĐH Tufts, các chú chó lớn với bộ lông dày và dài thường bị giật tĩnh điện.


"Mọi người nghĩ tui mê nhạc rock, nhưng thực ra tui bị giật tĩnh điện...".

Điều này cũng tương tự như vào mùa đông khi chúng ta mặc áo len, đi chân trần, chạm vào cửa sắt và bị giật "tê tê" vậy đó.

Đối với chó thì khi trời nổi mưa giông, không khí xung quanh thay đổi nên bất kì khi nào nó chạm mũi vào vật kim loại thì đều bị giật hết!

Vậy là ngoài trời tiếng sấm vang, trong nhà lại bị điện giật, chả trách vì sao nỗi sợ của "boss" lại chất chồng ngổn ngang đến vậy.

Cũng theo bác sĩ Dodman, khi quá bức bách vì bị giật tĩnh điện, chó thường kiếm những chỗ ẩn mình sát mặt đất như bồn tắm và phía sau... cái bồn cầu!

Trong 1 khảo sát ở Mỹ, hơn một nửa số hộ nuôi chó đồng tình rằng lúc trời mưa giông, chó thường trốn vào nhà vệ sinh. Thậm chí 1 chú becgie Đức nặng 36 kg còn nhảy lên bồn rửa mặt mà "ngồi thiền" trên đó.

Người hãy quên em đi!
Người hãy quên em đi!

Một điểm đáng lưu ý khác là do gen di truyền mà vài giống chó đặc biệt nhạy cảm, dễ bị kích động như chó Collie biên giới hay chó chăn cừu Úc.

Chó Collie biên giới (trái) và chó chăn cừu Úc (phải) là những "bé" nhạy cảm nhất.
Chó Collie biên giới (trái) và chó chăn cừu Úc (phải) là những "bé" nhạy cảm nhất.

"Boss" hoảng loạn, "sen" phải làm sao?

Đầu tiên, hãy cứ để chú tự tìm nơi ẩn nấp ưa thích của mình. Bạn đừng vội can thiệp, sơ tán đi chỗ khác mà khiến chúng thêm sợ hãi.

Để đối phó với "nỗi sợ tiếng sấm", hãy bật cho chó nghe tiếng ồn trắng (tiếng quạt máy, máy lạnh chạy rè rè...) giúp chúng phân tán sự chú ý và cảm thấy bình tĩnh hơn. Đối với "nỗi sợ tĩnh điện", bạn có thể mua áo khoác chống tĩnh điện và lót chăn ấm cho chó.

Hình ảnh cực "ngầu" khi đã chăn ấm nệm êm, áo khoác cách điện lại còn bảo vệ tai các kiểu
Hình ảnh cực "ngầu" khi đã chăn ấm nệm êm, áo khoác cách điện lại còn bảo vệ tai các kiểu

Tùy vào từng chú chó mà nỗi sợ sẽ qua đi cùng cơn mưa hay để lại dư âm kéo dài. Cần lưu ý rằng việc "sống trong sợ hãi" sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lí và thể chất, nên khi đó hãy đưa chó đến gặp bác sĩ thú y ngay. Họ sẽ xem xét kê thuốc điều trị nếu cần thiết.

Với một vài giải pháp kể trên, chúc các sen và "boss" đi qua mùa bão giông sắp tới thật an lành và ít giật gân nhất có thể!

Cập nhật: 04/05/2018 Theo helino
  • 4.106