Các nhà khoa học mới đây đã xác định được rằng ít nhất có 235 loài cùng sống ở các biển thuộc hai cực bất chấp khoảng cách 8.000 dặm (13.000 km) giữa chúng.
Bằng cách nào mà những sinh vật này có thể sinh sống được cả ở trên đỉnh và phần đáy hành tinh của chúng ta? Điều này vẫn còn là bí ẩn. Sự phân chia môi trường sống cũng như khoảng cách – ví dụ vùng nước ấm giữa hai cực – là một trong những vấn đề có thể chia cắt các sinh vật làm hình thành loài mới. Một nghiên cứu phân tích ADN đang được tiến hành để khẳng định liệu có phải các loài sinh vật trông giống nhau có thực sự giống nhau hay không.
Loài cá băng Chionodraco hamatus tại Nam Cực có thể chịu được nhiệt độ làm đông máu của tất cả các loài cá khác. Trên hình là chú cá con chỉ dài bằng ngón tay được chụp vào năm 2008. (Ảnh: Russ Hopcroft, Đại học Alaska Fairbanks/ CoML) |
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện các bằng chứng cho thấy các sinh vật sống trong nước lạnh di chuyển về hai cực để trốn tránh hiện tượng nhiệt độ nước biển tăng lên. Dự án nghiên cứu cũng mang về những bức ảnh về những loài có vùng phân bố rộng ví dụ như loài bọ chét sống trong băng và một loài cá Nam Cực rất giỏi chịu rét, nó có thể chịu đựng được nhiệt độ khiến các loài cá khác phải đóng băng.
Trong số những sinh vật coi hai vùng biển ở hai cực là nhà chính là kẻ di cư đường dài như cá voi xám và chim. Nhưng các nhà nghiên cứu tiến hành dự án điều tra số lượng sinh vật biển cũng đồng thời phát hiện có các loài giun sống ở cả hai cực, giáp xác và động vật chân cánh giống sên thiên thần.
Ian Poiner, chủ tịch Hội đồng chỉ đạo dự án, cho biết: “Các biển vùng cực không phải là những sa mạc sinh học mà thực tế tràn ngập sự sống về cả số lượng và cả sự đa dạng”. Các nhà sinh học thuộc một số quốc gia cũng đã nghiên cứu về vấn đề này 2 năm nay bất chấp những con sóng cao tới 16m và môi trường băng giá khắc nghiệt.
Poiner nói: “Chỉ với sự hợp tác của 500 người thuộc trên 25 quốc gia, chúng tôi đã vượt qua những thử thách môi trường có thể làm nản chí bất cứ người nào để tiến hành nghiên cứu trên quy mô và tầm quan trọng chưa từng có. Con người chúng ta mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu hiểu biết về bản chất của những vùng này”.
Hình ảnh những con bọ chét cát (họ giáp xác chân hai loại dưới lớp băng gần bờ tại Biển Beauford. Giáp xác chân hai loại sống dưới băng là nguồn thức ăn chính của cá tuyết Bắc Cục, cá tuyết, ngược lại, lại trở thành con mồi chính của hải cẩu. (Ảnh: Shawn Harper, Đại học Alaska Fairbanks / COML)
Nhóm nghiên cứu ước tính có khoảng 7.500 sinh vật ở Nam Cực và 5.500 sinh vật sống ở Bắc Cực, tổng số các loài sinh vật biển được biết đến trên toàn cầu là khoảng 250.000 loài. Theo các nhà khoa học, con số thực có lẽ tăng đến khoảng 1 triệu. Nhìn chung, các nhà khoa học khác cho biết họ không biết chính xác có bao nhiêu loài sống trên Trái Đất. Quỹ khoa học quốc gia ước tính con số này vào khoảng 5 triệu đến 100 triệu loài trên hành tinh chúng ta, nhưng khoa học mới chỉ phát hiện được vỏn vẹn 2 triệu loài.
Các nhà nghiên cứu cũng đang dần hiểu được bằng cơ chế nào mà các biển vùng cực có thể đóng vai trò như lò ấp trứng cho những loài sinh vật mạo hiểm cả quãng đường dài giữa hai cực trái đất khi nhiệt độ nước biển tăng hoặc giảm qua từng niên kỷ. Năm ngoái, họ phát hiện ra rằng một số loài bạch tuộc định cư ở vùng biển sâu nhiều lần trong suốt 30 triệu năm, mỗi một lần di cư đều trùng lặp với giai đoạn băng Nam Cực tan đi.
Hiện nay các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng Nam Cực thường xuyên làm mới lại các đại dương trên thế giới bằng nhiều loài sinh vật mới, trong đó có một số loài nhện biển, động vật đẳng túc khác nhau (đây là loài giáp xác có họ hàng với tôm và cua). Họ tin rằng những loài mới này phát triển khi hàng lang băng mở rộng xung quanh vùng cực nam. Khi băng tan, các sinh vật tỏa về hướng bắc cũng theo con đường mà những con bạch tuộc đã đi.
Trong khi đó, dự án nghiên cứu phát hiện ra những loài sinh vật biển nhỏ hơn đang dần thay thế những loài to lớn hơn ở các vùng biển Bắc Cực. Các khoa học gia chưa biết được lý do chính xác nhưng có lẽ nó có liên quan đến lưới thức ăn ở Bắc Cực.