Trong thời gian qua, chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đã rất nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để bảo tồn những ngôn ngữ đang bên bờ vực biến mất.
Cái mác Ainu ám ảnh Miyuki Muraki trong suốt thời thơ ấu của bà. Người phụ nữ 64 tuổi kể lại: "Khi còn nhỏ, tôi bị gọi là Ainu và bị bắt nạt. Vì thế, có một thời gian tôi ghét từ Ainu". Ainu là người bản địa ở vùng đất phía Bắc Nhật Bản và là những người định cư đầu tiên ở đảo Hokkaido. Chính quyền Minh Trị đã cấm các phong tục và truyền thống của họ vào cuối thế kỷ 19.
Màn mô phỏng văn hóa Ainu tại Bảo tàng và Công viên Quốc gia Ainu ở Hokkaido, Nhật Bản. (Ảnh: CNA).
Trong khi đó, Nhật Bản đang chi hàng triệu USD để hỗ trợ người Ainu và nền văn hóa của họ. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã xếp tiếng Ainu là ngôn ngữ cực kỳ nguy cấp.
Các chuyên gia cho rằng người Ainu là hậu duệ của người Jomon sinh sống ở Nhật Bản vào khoảng năm 11.000 đến 6.000 trước Công nguyên. Hiệp hội Ainu tiến hành khảo sát bảy năm một lần đối với người Ainu ở Hokkaido. Năm 2017, số người Ainu ở Hokkaido là 13.118 người, giảm khoảng 3.700 người so với 7 năm trước. Ngôn ngữ Ainu cũng khó truyền lại do thiếu dạng chữ viết và bị chia thành nhiều phương ngữ.
Nơi làm việc của bà Muraki, Bảo tàng và Công viên Quốc gia Ainu tại Hokkaido, đã cố gắng hồi sinh ngôn ngữ đang chết dần chết mòn này. Bảo tàng và Công viên Quốc gia Ainu đã thu hút hơn một triệu du khách kể từ khi mở cửa vào năm 2020. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động để quảng bá tiếng Ainu.
Đại học Hokkaido tại Sapporo bắt đầu đưa ra thông báo bằng tiếng Ainu từ tháng 1. Việc này được lấy cảm hứng từ một chương trình tương tự ở thị trấn Biratori, Hokkaido.
Trong khi đó, cách Hokkaido gần 2.000km, hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc Jeju cũng đang cố gắng đảo ngược tình trạng suy thoái ngôn ngữ bản địa. Từng là một phần không thể tách rời của bản sắc hòn đảo núi lửa này, tiếng Jeju-eo cũng được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp vào năm 2010. Nhưng sự tò mò của công chúng đang giúp thúc đẩy hồi sinh ngôn ngữ này. Jeju-eo cũng đã tìm thấy một đồng minh không ngờ tới đó là mạng xã hội, nơi nó đang ngày càng thu hút nhiều người theo dõi.
Bãi biển Hamdeok trên đảo Jeju, Hàn Quốc. (Ảnh: Internet).
Tại Hàn Quốc, có thông tin cho biết số người dân bản địa còn nói tiếng Jeju-eo chỉ còn khoảng 10.000 người. Do kết nối được cải thiện, người dân đảo Jeju bắt đầu học tiếng Hàn. Họ chủ yếu nói tiếng Hàn tiêu chuẩn “pha trộn” với một số từ ngữ Jeju-eo.
Các nữ thợ lặn ở đảo Jeju (haenyo) nằm trong nhóm những người cuối cùng còn nói tiếng Jeju-eo. Những ghi chép đầu tiên về haenyo có từ thế kỷ 17, nhiều nam giới bỏ mạng khi đi biển do đó người phụ nữ phải đảm nhận trách nhiệm nuôi gia đình, khiến họ trở thành thợ lặn. Một haenyo 78 tuổi, bà Lee Jung-hee chia sẻ: “Các cháu của tôi không thể nói được ngôn ngữ này, nhưng tôi cho rằng chúng có thể hiểu điều tôi nói”.
Có những người như nhà sáng tạo nội dung trên Yotube (YouTuber) Kim Hong-gyu đang góp công sức để duy trì sự hiện diện của Jeju-eo. Kim Hong-gyu (29 tuổi) đi khắp đảo để nói chuyện với người lớn tuổi về tuổi thơ và những việc thường ngày của họ bằng tiếng Jeju-eo. Kim Hong-gyu cho biết kênh của anh đã phá triển sau khi anh bắt đầu đăng video về ngôn ngữ này. "Tôi từng sử dụng tiếng Jeju-eo làm nội dung. Mọi người thực sự thích và khi tôi làm điều đó, họ đã để lại bình luận và phản hồi. Mọi người rất thất vọng khi nghe rằng ngôn ngữ của Jeju có thể sớm biến mất”. Các video Kim Hong-gyu quay là những bản ghi vô giá về ngôn ngữ đang mai một này dành cho thế hệ tiếp theo.
Trong năm nay, chính quyền Jeju đã yêu cầu các trường tiểu học dạy Jeju-eo và văn hóa hòn đảo này ít nhất 11 giờ/năm. Trường tiểu học Shinjeju, một trong những trường lớn nhất trên đảo, đã được chọn làm mô hình cho chương trình giáo dục ngôn ngữ Jeju. Trường kết hợp Jeju-eo vào lớp học, trò chơi và các hoạt động khác, thay vì bổ sung các lớp ngôn ngữ đặc biệt.
Hiệu trưởng Park Eun-jin cho biết: "Nếu chúng tôi tách riêng môn tiếng Jeju-eo, trẻ em có thể cảm thấy không hứng thú hoặc áp lực. Do đó, tôi nghĩ tốt hơn là để trẻ em học Jeju-eo một cách tự nhiên thông qua các lớp học bình thường, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và câu lạc bộ”. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, số phận của Jeju-eo vẫn mong manh bởi nhóm người lớn tuổi nói ngôn ngữ này đang giảm dần trong khi ngày càng nhiều người trẻ trên đảo chuyển đến đất liền.