Hang động bí ẩn "nhả ra" hàng tấn cá một lần mỗi năm: Chuyên gia nói lên sự thật khiến người dân không dám ăn cá trong hang

  •   4,45
  • 5.539

Trong nền văn hóa Á Đông, "ngư" (cá) là biểu tượng của sự may mắn, trù phú và tương lai tốt đẹp. Chẳng thế mà người xưa có câu thành ngữ "như cá gặp nước" được dùng để chỉ sự hài hòa, thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Cá cũng mang lại những điềm lành cho gia chủ theo quan niệm phong thủy bao đời nay.

Thị trấn Đàm Sơn, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là nơi có khí hậu ôn hòa, bốn mùa rõ rệt. Nơi đây không chỉ sở hữu phong cảnh hữu tình mà còn ẩn chứa những bí mật thiên nhiên vô cùng thú vị.

Hàng năm, có nhiều khách du lịch đến với nơi đây để chiêm ngưỡng hang động "nhả cá". Người dân địa phương cho biết, đây là hiện tượng chỉ được nhìn thấy vào dịp tiết Thanh minh (ngày lễ tảo mộ và hội đạp thanh mùa xuân). Người dân địa phương cho biết đây là hiện tượng xảy ra hàng năm nên họ thường chuẩn bị sẵn dụng cụ để bắt và đựng cá. Cá bắt được sẽ được dùng để nấu ăn hoặc bán.

Bí ẩn xung quanh động cá này đã thu hút rất nhiều phóng viên và các chuyên gia đến điều tra.

Cửa động nơi "nhả cá" mỗi dịp Thanh minh
Cửa động nơi "nhả cá" mỗi dịp Thanh minh. (Nguồn: Internet).

Vì hang động nhả cá là hiện tượng xảy ra mỗi dịp Thanh minh, người dân thường chuẩn bị sẵn đồ nghề để đến trước sơn động vớt cá.

Loại cá này hoàn toàn khác biệt với các loại cá thông thường ở Đàm Sơn, không chỉ có hương vị thơm ngon mà hầu như không có xương, chỉ có một dây xương sống dọc lưng cá. Đây chắc chắn là món ăn yêu thích của trẻ nhỏ và những ai ăn cá mà sợ hóc xương.

Kinh nghiệm khi bắt cá của người dân nơi đây đó là: Khi hang động bắt đầu nhả cá, những con cá ở thời điểm này thường có màu trắng, sau đó chuyển dần màu đỏ; khi dòng cá chuyển sang màu đỏ tươi là dấu hiệu cho thấy cá đã sắp hết.

Loài cá đặc biệt

Một món quà thiên nhiên tuyệt vời như vậy tất nhiên người dân địa phương không thể bỏ lỡ. Họ không chỉ bắt cá về ăn mà còn đem ra chợ bán.

Tình trạng này kéo dài cho đến năm 2012, khi các chuyên gia thông qua rất nhiều nguồn tin biết về hang động và đã đến tận nơi để tiến hành điều tra. Từ đây, sự thật được hé lộ!

Hóa ra con cá mà dân làng bắt được là loài cá vây tia có tên khoa học là Scaphesthes macrolepis, hay còn được gọi là cá hóa thạch sống, là loài động vật được được xếp hạng bảo vệ cấp 2 của Trung Quốc. Dân làng khi biết được sự thật không khỏi bàng hoàng.

Họ không thể tưởng tượng được loài cá họ vẫn thường ăn là loài động vật quý hiếm như vậy. Các chuyên gia cũng không thể ngờ bao lâu nay, sinh vật này lại được đối xử như một loài cá bình thường để buôn bán ngoài chợ.

Cận cảnh loài cá Scaphesthes macrolepis.
Cận cảnh loài cá Scaphesthes macrolepis. (Nguồn: Sohu).

Các chuyên gia bắt đầu điều tra địa hình xung quanh khu vực hang cá để tìm hiểu môi trường và hướng đi của chúng. Thật bất ngờ, cuộc điều tra đã hé lộ nhiều hang cá khác ở các ngôi làng xung quanh.

Đặc điểm chung của những hang động này đó là đều là những hang đá vôi lớn, lòng hang rộng rãi, có nhiều nhũ đá, măng đá. Những hang động có đặc điểm như thế này được gọi là địa hình đá vôi, hay địa hình karst. 

Đàm Sơn có nhiệt độ trung bình hàng năm là 16 độ, lượng mưa hàng năm đạt khoảng 770mm với thời gian không có sương giá khoảng 250 ngày.

Cá vây tia Scaphesthes macrolepis sống ở các khe suối trên núi cao từ 270 đến 1500m trên mực nước biển. Đặc biệt, người ta thường tìm thấy chúng ở các khu suối bắt nguồn từ các vết nứt dung nham và hang động karst. Khi mùa đông tới, chúng sẽ trốn dưới đáy nước từ tháng 10 và ra khỏi đó vào giữa tháng 4 năm sau. Nhiệt độ thích hợp để cá vây tia Scaphesthes macrolepis phát triển tốt là từ 4 đến 26 độ C, nếu thấp hơn 2 độ C hoặc cao hơn 28 độ C chúng sẽ chết.

Cá vây tia Scaphesthes macrolepis là loài ăn tạp, chúng chủ yếu ăn ấu trùng thủy sinh, tảo và các động vật không xương sống. Khác với các loài cá thông thường, miệng của cá vây tia Scaphesthes macrolepis có cấu tạo như một cái như một cái xẻng để chúng có thể dễ dàng lấy tảo bám trên bề mặt đá sỏi.

Những hang động này đã cung cấp một môi trường sống vô cùng thoải mái cho sự sinh sản và phát triển của loài cá này. Hầu hết chúng sẽ vào hang vào cuối mùa thu, đẻ trứng ở vùng thượng lưu và sau đó ra khỏi hang vào tháng 4 và tháng 5 năm sau. Điều này dẫn đến cảnh tượng hàng ngàn con cá cùng lúc tuôn ra từ cửa động trong suốt Lễ hội Thanh minh.

Vậy là thay vì bắt cá để kiếm sống, nay người dân ở Đàm Sơn lại dựa vào cảnh tượng "nhả cá" để thu hút khách du lịch từ khắp trong và ngoài nước. Nếu không có sự điều tra kịp thời của các chuyên gia, e rằng số phận của loài cá quý hiếm này sẽ dần cạn kiệt rồi tuyệt chủng.

Cập nhật: 20/07/2024 Theo PLBĐ+PNVN
  • 4,45
  • 5.539