Hành tinh thứ 9 có thể được tìm thấy trong 16 tháng

  •   42
  • 2.567

Một nhóm nhà thiên văn học tin tưởng có thể xác định hành tinh thứ 9 bí ẩn ở rìa ngoài hệ Mặt Trời trong khoảng 16 tháng.

Nhà thiên văn học Mike Brown ở Viện Công nghệ California, Mỹ (Caltech) tuyên bố có thể tìm thấy dấu vết của hành tinh thứ 9 trong vòng 16 tháng hoặc lâu hơn tại hội thảo diễn ra hôm 19/10 tại Pasadena, California, theo Space. Đây là cuộc họp chung giữa Ban khoa học hành tinh của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ (DPS) và Hội đồng Khoa học hành tinh châu Âu (EPSC).

Theo Brown, khoảng 8-10 nhóm nghiên cứu trên thế giới đang tìm kiếm hành tinh thứ 9. "Tôi dám chắc cuối mùa đông năm sau nữa, ai đó sẽ tìm ra hành tinh thứ 9", Brown nói. "Tại cuộc họp lần tới giữa DPS và EPSC, chúng ta sẽ thảo luận về phát hiện hành tinh thứ 9 thay vì phương pháp tìm kiếm nó".

Hành tinh thứ 9 ở rìa ngoài hệ Mặt Trời có thể nặng gấp 10 lần Trái Đất.
Hành tinh thứ 9 ở rìa ngoài hệ Mặt Trời có thể nặng gấp 10 lần Trái Đất. (Ảnh: Caltech).

Sự tồn tại của hành tinh thứ 9 được hai nhà thiên văn học Scott Sheppard ở Viện Khoa học Carnegie tại Washington D.C và Chadwick Trujillo ở Đài quan sát Gemini tại Hawaii đề cập tới lần đầu tiên vào năm 2014.

Sheppard và Trujillo nhận thấy quỹ đạo quay của hành tinh lùn Sedna, thiên thể 2012 VP113 và một số thiên thể khác ở xa hơn sao Diêm Vương có cùng những đặc điểm kỳ lạ. Nhiều khả năng hành trình di chuyển của chúng trong không gian chịu ảnh hưởng của một vật thể khổng lồ chưa được phát hiện nằm cùng khu vực.

Các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh giả định này lớn gấp Trái Đất 2-15 lần và nằm cách Mặt Trời hàng trăm đơn vị thiên văn (AU). Đơn vị thiên văn là khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, tương ứng với khoảng 150 triệu km.

Giả thuyết của nhóm Sheppard càng được củng cố khi Brown và đồng nghiệp ở Caltech là Konstantin Batygin tìm thấy bằng chứng về tác động của hành tinh giả định lên quỹ đạo của một nhóm thiên thể khác nằm trong vành đai Kuiper. Theo tính toán của Brown và Batygin, "hành tinh thứ 9" có thể nặng gấp 10 lần Trái Đất, quay theo quỹ đạo hình elip với điểm xa Mặt Trời nhất vào khoảng 1.000 AU.

Cập nhật: 25/10/2016 Theo VnExpress
  • 42
  • 2.567