Hành trình chinh phục vũ trụ để ngắm nhìn Trái đất không biên giới

  •  
  • 143

Gạt qua những khác biệt, bất đồng về quan điểm chính trị, nhiều cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, hay Nhật Bản vẫn hợp tác để mang tới cho nhân loại nhiều thành tựu quan trọng trong khám phá vũ trụ.

Cách đây đúng 63 năm, ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ trên con tàu Phương Đông.


Module Nauka của Cơ quan vũ trụ LB Nga Roscosmos hạ cánh xuống Trạm vũ trụ quốc tế ngày 29/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Liên Xô khi đó, mà còn là bước đột phá trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học thế giới: Kỷ nguyên con người chinh phục vũ trụ và nghiên cứu khoa học ngay trong vũ trụ.

Để ghi dấu thành tựu đáng nhớ này, năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chính thức công bố ngày 12/4 là Ngày Quốc tế con người bay vào vũ trụ.

Chuyến bay thành công của Gagarin đã mang lại niềm hân hoan và trở thành động lực cho mọi người thực hiện mơ ước "bay lên những vì sao".

Ngành hàng không và vũ trụ thế giới liên tục phát triển, mở rộng chinh phục nhiều khoảng không gian mới. Từ đó đến nay, đã có hàng trăm công dân nam và nữ của nhiều nước trên thế giới có mặt trong vũ trụ. Trong những chuyến bay lên quỹ đạo, ngoài các nhà du hành còn có cả khách du lịch.

Riêng đối với nhiều phi hành gia, những chuyến bay vào không gian không còn là một điều gì đó siêu nhiên, họ cảm thấy sự có mặt của mình trên quỹ đạo như là một công việc bình thường.

Trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) - một tổ hợp có sự tham gia của 15 quốc gia, các nhà khoa học nghiên cứu vận hành các hệ thống đảm bảo sự sống, tiến hành các thí nghiệm về thiên văn học, kỹ thuật, y-sinh...

Họ cũng học được cách sống và làm việc dài ngày trên quỹ đạo gần Trái đất, phóng các loại thiết bị và máy móc khác nhau lên các hành tinh gần và xa, chuẩn bị những chuyến bay có người lái lên sao Hỏa…

Lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng liên tục chứng kiến những tiến bộ đáng kể, mở ra những hy vọng mới cho mối liên kết giữa con người và vũ trụ.

2023 là năm chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại: Ấn Độ đưa tàu vũ trụ đáp xuống cực Nam Mặt trăng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) mang các mẫu vật tiểu hành tinh về Trái đất để nghiên cứu, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng gần 100 tên lửa, trong khi Nhật Bản và châu Âu đưa các kính viễn vọng không gian mới vào quỹ đạo...

Các dự án khám phá không gian sâu thẳm thậm chí còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2024, với Mặt trăng tiếp tục là đích đến hàng đầu.

Ngày 20/1 vừa qua, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm có tàu vũ trụ không người lái đổ bộ Mặt trăng (sau Liên Xô trước đây, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ).

Đáng chú ý, Tàu đổ bộ thông minh nghiên cứu Mặt trăng (SLIM) của Nhật Bản đã lập kỳ tích khi sống sót qua 2 đêm trăng cực lạnh (lần lượt là -183 độ C và -130 độ C) dù không được thiết kế cho điều kiện này.

Ngoài ra, SLIM còn chứng minh công nghệ hạ cánh có độ chính xác cao - một tiến bộ vượt bậc và cần thiết cho việc tìm kiếm nước và oxy trên Mặt trăng, các yếu tố cần thiết cho sự sinh tồn của con người.

Không may mắn như SLIM, tàu đổ bộ không người lái Odysseus của công ty Intuitive Machines (Mỹ) đã không thể "thức giấc" sau đêm cực lạnh, trở thành tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên "ngủ yên vĩnh viễn" trên Mặt trăng.


Các phi hành gia được tàu vũ trụ Soyuz của Nga đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan ngày 23/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù vậy, cuộc đổ bộ của tàu Odysseus ngày 22/2 vừa qua đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ của Mỹ đáp xuống Mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo 17 (có người lái) vào năm 1972, đồng thời là tàu đổ bộ thương mại đầu tiên hạ cánh xuống vệ tinh duy nhất của Trái đất.

Mỹ đang ấp ủ triển khai Sứ mệnh Artemis 2 vào tháng 11 tới, khi một nhóm 4 phi hành gia sẽ du hành vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại. Họ sẽ là những người đầu tiên du hành gần Mặt trăng kể từ năm 1972 - thời điểm sứ mệnh Apollo 17 kết thúc.

Ngoài ra, NASA còn dự kiến phóng tàu Europa Clipper vào tháng 10 tới để khám phá Europa - Mặt trăng của sao Mộc.

Europa có bề mặt băng giá, được cho là đang che giấu một đại dương rộng lớn mà theo các nhà khoa học có thể chứa các điều kiện thích hợp cho sự sống.

Trung Quốc cũng lên kế hoạch phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng lần thứ tư. Theo kế hoạch, tàu Hằng Nga 6 có thể tiến về phía vùng tối của Mặt trăng vào tháng 5/2024, thu thập các mẫu đá và bụi Mặt trăng để mang về Trái đất nghiên cứu.

Nếu thành công, sứ mệnh này đánh dấu lần đầu tiên những mẫu đất đá được đưa trở lại Trái đất từ khu vực chưa từng được con người khai phá.

Ấn Độ bận rộn không kém khi chuẩn bị triển khai ít nhất 12 sứ mệnh, trong đó có cuộc thử nghiệm tàu du hành đưa người và robot hình người có tên Vyomitra lên không gian, trước khi thực hiện sứ mệnh Gaganyaan - đưa phi hành đoàn 3 thành viên lên quỹ đạo 400 km quanh Trái đất trong sứ mệnh kéo dài 3 ngày - vào năm 2025.

Ấn Độ cũng triển khai các giai đoạn tiếp theo của sứ mệnh đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo sao Hỏa, nhằm nghiên cứu bề mặt, bầu khí quyển và điều kiện khí hậu của "Hành tinh Đỏ".

Cùng với đó là sứ mệnh bay vào quỹ đạo sao Kim. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu thành lập trạm vũ trụ của riêng quốc gia này vào năm 2035 và đưa người Ấn Độ đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2040.

Một loạt các công ty như Boeing, Lockheed Martin, Blue Origin hay LandSpace Technology... cũng đang chạy đua trong lĩnh vực phát triển tên lửa đẩy, trong đó tập trung vào khả năng tái sử dụng - cách tiếp cận do SpaceX tiên phong. Hiện SpaceX đang trong quá trình phát triển tàu vũ trụ Starship khổng lồ, được thiết kế để có thể di chuyển "khứ hồi" nhiều lần từ Trái đất tới Mặt trăng hoặc sao Hỏa.

Ngân hàng đa quốc gia Bank of America dự báo ngành công nghiệp vũ trụ sẽ phát triển mạnh mẽ với quy mô ước tính đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Có thể thấy, dù mỗi quốc gia có những cách tiếp cận riêng phù hợp với năng lực, nhưng tinh thần hợp tác chặt chẽ và sự cạnh tranh lành mạnh thực sự để lại dấu ấn.

“Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Câu nói đầu tiên của Yuri Gagarin truyền từ vũ trụ về Trái đất cũng chính là thông điệp hòa bình bất diệt mà ông muốn gửi tới con người trên khắp hành tinh.

Gạt qua những khác biệt, bất đồng về quan điểm chính trị, nhiều cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, hay Nhật Bản vẫn hợp tác để mang tới cho nhân loại nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình khám phá vũ trụ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh rằng: “Vũ trụ là nơi của những hoạt động chung, cho phép chúng ta quên mọi sự phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế và thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao để phục vụ tương lai các quốc gia và tương lai nhân loại”.

Ông kêu gọi không “chính trị hóa vũ trụ”, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ vì lợi ích chung của loài người.

Thực tế trong những năm qua, hợp tác thăm dò vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nga và Mỹ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị giữa hai nước.

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng không gian - vũ trụ vì mục đích hòa bình giữa Nga và Mỹ ký năm 1992 là một trong những khuôn khổ pháp lý cơ bản nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác khám phá vũ trụ.

Từ đó đến nay, thỏa thuận này đã được gia hạn 4 lần, ít nhất đến tháng 12/2030. Việc kéo dài thỏa thuận này sẽ đáp ứng những lợi ích của cả hai bên, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các dự án về không gian - vũ trụ chung, đồng thời một lần nữa khẳng định rằng: Nhìn từ không gian Trái đất là một ngôi nhà chung.

Cập nhật: 15/04/2024 TTXVN/Vietnam+
  • 143