Hiệu quả của Chương trình KC.05

  •  
  • 281

Sau năm năm triển khai, 41 đề tài, dự án thuộc Chương trình Khoa học - Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước chế tạo máy giai đoạn 2001 - 2005 (KC.05) đã tạo ra 1.258 sản phẩm mới (thuộc lĩnh vực vật liệu, thiết bị, máy móc,...).

Trong đó có 801 sản phẩm đã chuyển giao vào sản xuất; 18 phần mềm máy tính đã được ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy; chín sáng chế, giải pháp hữu ích đã đăng ký, bảo hộ; 12 giải thưởng khoa học và công nghệ.

(Ảnh: most.gov.vn)
Kế thừa kết quả của các chương trình khoa học và công nghệ (KH và CN) chế tạo máy trong các giai đoạn trước, Chương trình KC.05 đã tiếp tục góp phần nâng cao trình độ công nghệ chế tạo máy trong nước. Ở một số công nghệ, các nhà khoa học đã tiếp cận được với trình độ thế giới như công nghệ tạo mẫu nhanh, công nghệ đúc, tự động hóa, cơ khí quang học chính xác, công nghệ cắt Plasma, lắp ráp chính xác hệ thống xi-lanh thủy lực chịu tải trọng lớn...

Không còn tình trạng nghiên cứu chung chung, nhiều kết quả của các đề tài, dự án thuộc chương trình đã tạo ra các sản phẩm thiết thực giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Với kết quả của Ðề tài KC.05.12: "Nghiên cứu chế tạo đá mài cao tốc 45-60 m/s dùng trong chế tạo máy" và tiếp theo là Dự án KC.05.DA.10 "Dây chuyền thiết bị sản xuất đá mài cao tốc công suất 2.000 tấn/năm", lần đầu sau hơn 40 năm hoạt động, Công ty đá mài Hải Dương đã có sản phẩm đá mài cao tốc cung cấp cho các cơ sở chế tạo máy trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.

Các dự án:

"Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo hệ thống xi-lanh thủy lực dùng cho thiết bị đóng mở các công trình thủy lợi, thủy điện", "Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo bơm nước cỡ lớn 36 nghìn m3/giờ", "Sản xuất thử nghiệm máy bơm chìm", đã và đang giúp các cơ sở sản xuất của Tổng công ty Cơ điện - Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tạo ra các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của nông nghiệp và thủy lợi với giá chỉ bằng từ 40 đến 60% giá nhập khẩu. Công trình thủy điện Sơn La đã chặn dòng chảy sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch, đồng thời rẻ hơn 100 tỷ đồng so với nhập thiết bị của nước ngoài.

Có thể khẳng định, trong quá trình triển khai chương trình, thông qua việc hợp tác quốc tế, nhiều đề tài, dự án đã rút ngắn được thời gian nghiên cứu, tháo gỡ bế tắc về công nghệ và thiết bị cũng như phương pháp nghiên cứu, học hỏi công nghệ về vật liệu, phương pháp đo kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ðề tài KC.05.05 đạt kết quả cao thông qua hợp tác quốc tế lĩnh vực công nghệ đúc gang cầu và gang hợp kim, phầm mềm tin học công nghệ đúc.

Các nhà khoa học tham gia Chương trình KC.05 đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ KH và CN lĩnh vực chế tạo máy cho các trường đại học, viện nghiên cứu, nhất là các doanh nghiệp. Công ty Cơ khí Hà Nội, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh... thông qua việc tham gia thực hiện các đề tài dự án của chương trình đã góp phần đào tạo 27 tiến sĩ, 64 thạc sĩ và nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao cho các chuyên ngành công nghệ chế tạo máy.

Một trong những thành công của Chương trình KC.05 đó là tạo sự gắn kết trong hoạt động KH và CN chế tạo máy giữa 11 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và ngoài nước với các cơ sở sản xuất. Chính sự kết hợp này đã làm tăng sức mạnh của đội ngũ KH và CN chế tạo máy nước ta.

Nhờ có sự kết hợp giữa các tiến sĩ Trường đại học Bách khoa Hà Nội với cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đá mài Hải Dương đã tạo ra sản phẩm đá mài cao tốc. Nhờ có sự liên kết giữa các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Cơ khí với cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đã làm chủ công nghệ để chế tạo hộp số cỡ lớn trên cơ sở các trang thiết bị hiện có của công ty. Các chuyên gia của Ðài Loan (Trung Quốc), CH Séc... đang phối hợp các nhà khoa học trong nước nghiên cứu thiết kế máy phay CNC 5 trục đầu tiên của nước ta; sản xuất thử máy phay, máy tiện CNC.

Chương trình KC.05 góp phần làm tăng cơ sở vật chất cho các viện, trường, cũng như các doanh nghiệp tham gia chương trình. Số kinh phí mà chương trình dùng để mua sắm thiết bị thử nghiệm, đo lường hơn 6,4 tỷ đồng. Ðó là chưa kể giá trị những thiết bị được tạo ra trong quá trình nghiên cứu như máy phay P12CNC, M200CNC, máy ép thủy lực 400 tấn có điều khiển lô-gích theo chương trình PLC... mà các cơ sở đã tự trang bị cho mình hoặc cung cấp cho các đơn vị khác. Hầu hết đây là các thiết bị hiện đại giúp các cơ sở tăng cường tiềm lực nghiên cứu, sản xuất của mình.

Một thành công trong khi thực hiện Chương trình KC.05 đó là ý thức đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Năm 2000, các doanh nghiệp tham gia chương trình mới đầu tư 40% tổng kinh phí hoạt động cho việc đổi mới công nghệ. Năm 2004, các doanh nghiệp đầu tư 81%.

So với các giai đoạn trước, giai đoạn 2001 - 2005, đánh dấu sự đổi mới bước đầu về vai trò quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với các chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước. Chủ nhiệm Chương trình KC.05, TS Trần Việt Hùng cho rằng: Các chuyên viên của các vụ có liên quan của Bộ KH và CN thường xuyên theo dõi hoạt động của ban chủ nhiệm chương trình và các đề tài, dự án. Từ đó hình thành mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó thường xuyên giữa chương trình với các vụ chức năng của bộ. Nhờ có việc bám sát hoạt động thực tiễn từ các chương trình, đề tài, dự án, bộ đã kịp thời xử lý các tình huống khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tuy còn những điểm bất cập, nên hiệu quả đạt được trong quản lý chưa thật sự như mong đợi. Tại Quyết định số 41/2001/QÐ-BKHCNMT, của Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã quy định rất rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của bộ chủ quản đối với các cơ quan chủ trì đề tài, dự án trong chương trình cấp Nhà nước.

Trên thực tế việc phối hợp giữa bộ chủ quản với ban chủ nhiệm chương trình trong việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các đề tài dự án chưa chặt chẽ. Nhiều bộ chủ quản coi việc quản lý các đề tài, dự án thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước là trách nhiệm của Bộ KH và CN và chủ nhiệm chương trình chứ không phải của mình, coi nhẹ việc giám sát, kiểm tra và phối hợp quản lý.

Với tư cách là chủ nhiệm chương trình trong năm năm qua, điều tâm đắc nhất của tôi là vai trò của ngành cơ khí chế tạo ngày càng được Nhà nước đánh giá đúng mức và đầu tư cho nghiên cứu cũng như cho sản xuất ngày càng tăng. Ðiều đó một mặt góp phần nâng cao trình độ cơ khí chế tạo của đất nước, mặt khác tạo ra được các sản phẩm mới cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, đồng thời củng cố và phát triển sự gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất và đào tạo.

HÀ HÙNG

Theo Nhân dân
  • 281