Hình ảnh Chúa Jesus thời niên thiếu

  •  
  • 7.036

Cảnh sát Ý đã đảo ngược quá trình lão hóa từ những đường nét mờ nhạt trên tấm vải liệm thành Turin nổi tiếng, từ đó tạo ra hình ảnh được cho là của Jesus Christ thời niên thiếu.

Cảnh sát Ý tạo ra ảnh Chúa Jesus thời niên thiếu

Sau 5 năm gián đoạn, vải liệm Turin, chiều dài 4,4 m, lại xuất hiện trước công chúng trong triển lãm tổ chức tại nhà thờ Turin từ tháng 4 đến ngày 24.6. Dự kiến hàng triệu người sẽ đến sự kiện này, trong đó có Giáo hoàng Francis.

Nhân dịp này, Sở Cảnh sát Rome đã bất ngờ đóng góp một “tác phẩm” độc nhất vô nhị: đó là bức ảnh được cho là của Jesus Christ khi còn nhỏ. Đầu tiên, họ tạo ra một bức hình dựa trên hình ảnh khuôn mặt trên vải liệm Turin, mà theo nhiều người là của Chúa Jesus. Kế đến, họ sử dụng phần mềm máy tính đảo ngược quá trình lão hóa của đối tượng, bằng cách giảm kích thước khung xương hàm, gọt nhỏ khuôn mặt và làm dịu đi những đường nét quanh mắt. Sản phẩm cuối cùng là bức ảnh của một thiếu niên mang nét đẹp vô cùng thánh thiện, theo tờ The Independent.

Hình ảnh Chúa Jesus thời niên thiếu
Hình ảnh Chúa Jesus thời niên thiếuẢnh Chúa Jesus tuổi thiếu niên được tạo ra dựa trên hình ảnh trên vải liệm Turin - (Ảnh: Rome Police)

Lâu nay, giới học giả liên tục tranh cãi về tính xác thực của vải liệm Turin, với nền vải in hằn những đường nét hiển thị hình ảnh một người đàn ông sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Vào năm 1998, kỹ thuật xác định niên đại bằng đồng vị carbon cho thấy tấm vải này có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 13, cung cấp thêm chứng cứ cho phe luôn cam đoan rằng nó là một trò lừa đảo từ thời Trung cổ. Tuy nhiên, bí ẩn của vải liệm Turin không vì thế mà biến mất vì chưa ai có thể giải thích sự xuất hiện của hình ảnh trên tấm vải. Tòa Thánh không chính thức xác nhận rằng thi hài của Đức Chúa được bọc trong tấm vải liệm này, hoặc cho rằng có bất cứ phép màu nào liên quan đến sự xuất hiện của hình ảnh đó. Tuy nhiên, chính giáo hoàng đã yêu cầu tổ chức cuộc triển lãm trên nhằm tưởng niệm 200 năm ngày sinh của thánh John Bosco, một giáo sĩ vào thế kỷ 19 đã dành trọn cuộc đời cho công cuộc giáo dục trẻ em nghèo tại Turin.

Trước thế kỷ 13, không có thông tin nào về sự tồn tại của vải liệm Turin từng được ghi nhận trong lịch sử. Người ta chỉ biết rằng tấm vải liệm gây tranh cãi, từng thuộc về các hoàng đế của đế chế Byzantine, nhưng sau đó biến mất trong Cuộc vây hãm Constantinople, hay còn gọi là Cuộc thập tự chinh thứ 4 vào năm 1204. Sử liệu cũng từng đề cập đến một tấm vải liệm in hình ảnh người bị đóng đinh tại thị trấn Lirey (Pháp) vào năm 1353 - 1357. Nó thuộc quyền sở hữu của một vị hiệp sĩ Pháp Geoffroi de Charny, người đã tử trận trong cuộc chiến Poitiers vào năm 1356. Tuy nhiên, sự liên quan giữa tấm vải liệm ở Pháp với cái ở Turin vẫn là đề tài tranh luận nảy lửa trong giới các học giả. Một số người cho rằng tấm vải liệm ở Lirey là tác phẩm của một kẻ chuyên làm đồ giả và đã thú nhận tội trạng của mình. Kể từ thế kỷ 15 trở đi, vải liệm Turin được theo dõi và ghi nhận hết sức chặt chẽ. Chẳng hạn, vào năm 1532, tấm vải đã bị tổn hại trong một vụ cháy tu viện ở Chambéry, thủ phủ vùng Savoy của Pháp. Một giọt bạc nóng chảy đã rơi lên tấm vải trong lúc nó được xếp lại, để lại dấu vết xuyên suốt các lớp vải. Và các bà sơ đã cố gắng mạng lại những lỗ thủng. Đến năm 1578, Công tước xứ Savoy Emmanuel Philibert ra lệnh chuyển vải liệm từ Chambéry đến Turin và nó được bảo quản kỹ lưỡng cho đến ngày nay.

Vải liệm Turin từng thu hút sự chú ý của một số người ngưỡng mộ khét tiếng. Nó thậm chí là nỗi ám ảnh đối với nhà độc tài phát xít Đức Adolf Hitler, kẻ muốn trộm nó để sử dụng trong một nghi thức ma thuật. Kể từ đó, vải liệm Turin họa hoằn lắm mới xuất hiện trước công chúng, và nó quá quý giá để có thể cho phép kiểm nghiệm kỹ lưỡng hơn.

Theo Thanh Niên
  • 7.036