Hoàn tất quản lý thuê bao trả trước sau 24 tháng nữa

  •  
  • 83

Sắp tới, 10 triệu thuê bao ĐTDĐ trả trước trên toàn quốc sẽ "được" thắt chặt quản lý theo những quy định gì và trong thời hạn ra sao? 

Theo đề án Quản lý thuê bao trả trước vừa được Chính phủ phê duyệt, mỗi thuê bao di động (đang hoạt động và bắt đầu hòa mạng) trên các mạng di động phải được đăng ký, quản lý thông tin riêng theo người sử dụng.

Nội dung quản lý thông tin bao gồm: số máy của thuê bao, họ tên, ngày tháng năm sinh, và số chứng minh thư nhân dân (CMTND) hoặc hộ chiếu của người sử dụng và ngày, tháng, năm bắt đầu sử dụng dịch vụ (hoặc đăng ký lại).

Trường hợp người sử dụng dịch vụ dưới 14 tuổi phải có người có đủ thông tin yêu cầu trên đứng ra đăng ký. Trong trường hợp người mua Sim trả trước để đem biếu, tặng cho người thân, chỉ cần người sử dụng (người được tặng) phải đăng ký dịch vụ.

Về phương pháp quản lý thông tin thuê bao, các DN sẽ xây dựng, tổ chức đăng ký và cập nhật thông tin khi người sử dụng kích hoạt sim mới hoặc đăng ký lại. Các DN có thể lựa chọn các phương thức đăng ký, cập nhật thông tin của người sử dụng dịch vụ qua mạng, nhân công hoặc bằng phương thức khác nhưng phải đảm bảo tính bí mật, chính xác của thông tin đăng ký vào thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ cho khách hàng.

Để quản lý thuê bao trả trước, ngoài vai trò của Bộ BCVT, Bộ Công an sẽ phối hợp để kết nối, sử dụng cơ sở dữ liệu CMTND của ngành công an đối với một số thông tin hạn chế, thật sự cần thiết như họ tên, số CMTND (hoặc số hộ chiếu). Đồng thời, chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan cùng giám sát, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý thuê bao di động trả trước.

24 tháng - Nhiều hay ít? 

Các dịch vụ điện thoại di động trả trước phải quản lý bao gồm:

- Thuê bao trả trước của các mạng di động sử dụng công nghệ GSM.

- Thuê bao trả trước của các mạng di động sử dụng công nghệ CDMA.

- Thuê bao trả trước của các mạng ĐT vô tuyến điện nội thị, nội tỉnh PHS và CDMA.

- Thuê bao trả trước ĐT vô tuyến cố định có đầu cuối di động (E-Phone của EVN Telecom).

Về độ tuổi, công dân từ 15 tuổi trở lên mới được phép sử dụng dịch vụ. Tất cả các quy định này đều là một phần điều kiện của các quy định trong giấy phép cho các DN khai thác dịch vụ di động.

Tuy nhiên, "24 tháng" đang là mốc thời hạn được quyết định để cho các DN cung cấp dịch vụ hoàn tất việc đăng ký lại các thuê bao.

Vậy thì còn những 2 năm nữa, người ta mới có thể bước đầu nhìn thấy hiệu quả ít nhiều của việc quản lý thuê bao ĐTDĐ trả trước.

Một đại diện của vụ Viễn thông, Bộ BCVT cho biết: ''Hiện tại, khi đã được Chính phủ cho phép, Vụ sẽ đưa ra đề án và lộ trình cụ thể để quản lý chặt thuê bao trả trước. Trước đây, Bộ BCVT đã đưa ra lộ trình bắt đầu quản lý thuê bao trả trước từ tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, do chưa được Chính phủ phê duyệt, nên việc kiểm soát này đã lùi lại sau thời hạn này.''

Cũng theo vị đại diện vụ Viễn thông này, thời hạn để quản lý thuê bao trả trước (bao gồm thuê bao đang hoạt động và chưa hòa mạng) sẽ trong 24 tháng. Trước đây, theo lộ trình cũ, việc gia hạn này chỉ trong 18 tháng, nhưng theo ý kiến từ phía DN, kéo dài 24 tháng là hợp lý. Trong số 6 DN được tham khảo ý kiến, có tới 4 DN chọn mức thời hạn 24 tháng.

Như vậy, nếu tính thời gian thực hiện đăng ký lại thuê bao đang sử dụng dịch vụ kể từ khi Chính phủ cho phép, và văn bản có hiệu lực, muộn nhất, đến đầu năm 2009, hơn 10 triệu thuê bao trả trước sẽ hoàn tất thủ tục khai báo thông tin của chính chủ.

Bên cạnh đó, ba vấn đề được DN cung cấp dịch vụ quan tâm nhiều nhất là việc giảm thiểu tối đa phí đầu tư vào hệ thống, và thủ tục đăng ký (với số lượng thuê bao chiếm hơn 70%) và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng. Sự quản lý thuê bao trả trước cũng cần đảm bảo tính xác thực của thông tin được đăng ký, sao cho phù hợp với thực tiễn và khả thi.

Hoàng Hùng

Theo VietNamNet
  • 83