Hệ thống đẩy điện tiên tiến (AEPS) công suất 12 kilowatt sẽ được dùng trên trạm vũ trụ Mặt trăng của NASA trong tương lai.
NASA và công ty hàng không vũ trụ Aerojet Rocketdyne, hoàn thành thử nghiệm chất lượng thành công đối với Hệ thống đẩy điện tiên tiến (AEPS), một động cơ đẩy điện mặt trời (SEP) 12 kilowatt được chế tạo để sử dụng cho nhiệm vụ dài hạn như bay tới Mặt trăng và những nơi xa hơn. AEPS được mô tả là động cơ đẩy điện (hay còn gọi là động cơ đẩy ion) mạnh nhất từng sản xuất, Space hôm 9/11 đưa tin. Công suất 12 kilowatt đủ để cung cấp cho hơn 1.330 bóng đèn LED. Trước đó, NASA thông báo bắt đầu loạt thử thử nghiệm chất lượng hồi tháng 7.
Động cơ AEPS được thử nghiệm trong buồng chân không. (Ảnh: NASA).
"AEPS thực sự là công nghệ thế hệ mới", Clayton Kachele, quản lý dự án AEPS ở Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA cho biết. "Hệ thống đẩy điện hiện nay có công suất khoảng 4,5 kilowatt. Ở đây, chúng tôi đã tăng đáng kể công suất trong một động cơ đẩy. Khả năng đó mở ra cơ hội mới cho khám phá vũ trụ trong tương lai. AEPS sẽ đưa chúng ta bay nhanh hơn và xa hơn".
Quầng khí xả màu xanh dương từ AEPS trong thử nghiệm chất lượng được tạo ra từ khí xenon ion hóa, dẫn đến tên gọi động cơ đẩy ion. Trong khi hệ thống đẩy hóa học thông thường sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng để tạo ra luồng năng lượng ngắn nhưng rất mạnh, giúp đẩy tàu vũ trụ theo hướng mong muốn, động cơ đẩy điện sử dụng nhiên liệu đẩy khí trơ, cho ít năng lượng hơn nhưng có thời gian dài hơn nhiều nên hiệu suất cao hơn, có thể hữu dụng đối với nhiệm vụ dài hạn trong vũ trụ.
Mục tiêu là sử dụng AEPS trên trạm vũ trụ Gateway sắp tới của NASA bằng cách đặt 3 động cơ đẩy AEPS trên Bộ phận điện và lực đẩy của trạm, phục vụ nhiều mục đích bao gồm duy trì quỹ đạo của Gateway quanh Mặt trăng, liên lạc tốc độ cao với Trái Đất và cung cấp điện cho toàn trạm. Dự kiến phóng vào năm 2025, Gateway là dự án cộng tác với nhiều đối tác thương mại và quốc tế. Đây là một phần thiết yếu đối với các nhiệm vụ Artemis của NASA ở cực nam Mặt trăng trong vài năm tới. Ngoài ra, AEPS cũng có tiềm năng sử dụng trong các nhiệm vụ không gian sâu.
Trong khi AEPS là động cơ điện mặt trời, một loại động cơ đẩy điện khác đang được nghiên cứu là lực đẩy điện hạt nhân (NEP), sử dụng lò phản ứng hạt nhân để cung cấp lực đẩy. Dự án AEPS không phải lần đầu tiên NASA sử dụng lực đẩy điện cho nhiệm vụ không gian sâu. Nhiệm vụ Dawn của NASA tới hành tinh lùn Ceres và Vesta là nhiệm vụ đầu tiên sử dụng hệ thống đẩy ion. Gần đây nhất, nhiệm vụ Psyche của NASA phóng thành công hôm 13/10 sử dụng động cơ đẩy điện mặt trời để thực hiện hành trình 3,6 tỷ km tới tiểu hành tinh 16 Psyche.