Hội chứng sợ cuối tuần có thật nhưng nó là gì và nghiêm trọng đến mức nào?

  •  
  • 913

Hội chứng sợ ngày thứ hai đã chẳng còn xa lạ với mọi người nhưng bạn đã từng biết đến hội chứng lo âu cuối tuần? Có rất nhiều người cảm thấy uể oải, chán nản mỗi khi đầu tuần đến nhưng số người sợ ngày cuối tuần cũng không hề ít. Vậy, hãy tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp phòng tránh hội chứng oái oăm này.

Hội chứng lo âu cuối tuần là gì?

Đáng lẽ ra bạn phải thật thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi nhưng lại cứ có cảm giác không thoải mái vào mỗi thứ sáu hàng tuần, lo lắng không biết mình sẽ dành ngày nghỉ như thế nào thì đây là lời giải dành cho bạn.

Làm việc mệt nhọc cả tuần nhưng đến ngày nghỉ lại chả thấy thoải mái.
Làm việc mệt nhọc cả tuần nhưng đến ngày nghỉ lại chả thấy thoải mái.

Thực tế có rất nhiều người cảm thấy lo sợ thay vì hào hứng mỗi khi kết thúc một tuần làm việc, có một thuật ngữ chỉ điều này là "hội chứng lo âu cuối tuần".

Hội chứng lo âu cuối tuần (WAS) không phải là một thuật ngữ y tế chính thức, nhưng khá nhiều người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.

Sau cả tuần làm việc chăm chỉ, cuối cùng bạn cũng có 2 ngày cuối tuần để thỏa thích làm bất cứ điều gì. Chính việc đặt kỳ vọng quá cao vào 2 ngày cuối tuần và sợ rằng ngày nghỉ đó không được trọn vẹn như mình mong muốn gây ra áp lực rất lớn cho bạn và khiến bạn lo lắng, căng thẳng.

Tất nhiên, hội chứng này không hề mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của bạn.

Cảm thấy áp lực ngay cả khi tham gia những hoạt động vui vẻ

Đôi khi bạn có thể cảm thấy rằng việc đi ra ngoài chơi, gặp bạn bè không phải vì bạn muốn, mà bởi vì mọi người đều mong đợi bạn.

Bạn thấy những cuộc hẹn thật phiền phức?
Bạn thấy những cuộc hẹn thật phiền phức?

Bạn bè của bạn có thể có rất nhiều kế hoạch thú vị cho cuối tuần. Vì thế, bạn nghĩ mình không có sự lựa chọn nào khác là làm những điều tương tự như bạn bè mình.

Ngay cả khi bạn dự định dành 2 ngày nghỉ để "không làm gì cả", chỉ muốn nằm dài trên chiếc ghế quen thuộc, thoải mái đọc cuốn sách yêu thích hay xem một chương trình truyền hình mới nhưng mọi thứ đều "đổ bể" khi bạn thấy những người xung quanh mình không ngồi yên và cố gắng dành những ngày cuối tuần để làm nhiều điều thú vị nhất có thể.

Bạn áp lực khi mọi người xung quanh đều làm điều thú vị còn mình thì không.
Bạn áp lực khi mọi người xung quanh đều làm điều thú vị còn mình thì không.

Đặc biệt là khi bạn bắt gặp trên mạng xã hội tất cả những điều tuyệt vời mà bạn bè đã đăng tải trong ngày nghỉ. Nhìn họ gặp gỡ những người thú vị, vui vẻ tham gia các câu lạc bộ...dẫn đến việc bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ mọi thứ tươi đẹp khi chỉ ở nhà. Ngay sau đó, bạn thay đổi quyết định của mình và đi ra ngoài nhưng cũng thấy không đủ vui và thở dài rằng "cuối tuần của mình coi như lãng phí".

Tuy nhiên hãy nhớ một điều, đôi khi sẽ tốt hơn nếu bạn quyết định bỏ lỡ một bữa tiệc hoặc một buổi đi chơi với bạn bè. Bạn có thể đi đến một bữa tiệc khác vào lần tới, khi cảm thấy thích nó. Bạn bè của bạn cũng không đi đâu cả, bạn có thể hẹn họ vào dịp khác. Nếu là bạn bè thật sự, họ sẽ hiểu và cho bạn thời gian để thư giãn rồi lên kế hoạch cho một ngày khác.

Ngoài ra, áp lực để có một ngày cuối tuần vui vẻ không nhất thiết phải đến từ người khác mà xuất phát từ chính bản thân bạn. Đôi khi chính bạn bị ám ảnh bởi suy nghĩ nếu không làm điều mới mẻ, thú vị vào cuối tuần thì sẽ thật thất bại.

Mặt trái của cuộc sống hiện đại

Nhà tâm lý học Luke Martin nói rằng hội chứng này có thể là một tác dụng phụ của cuộc sống hiện đại.

Cuộc sống hiện đại ép chúng ta vào guồng quay của công việc, của sự bận rộn tối ngày. Vì vậy, đối với mỗi người, thời gian thảnh thơi là vô cùng quý giá.

Chúng ta luôn đặt kỳ vọng tận hưởng thời gian rảnh của mình tối đa và đúng cách, mong muốn một cuối tuần thật hoàn hảo. Nhưng điều đó là không thể.

Những người "nghiện" công việc

Hội chứng này càng dễ nhận thấy ở những người nghiện công việc.
Hội chứng này càng dễ nhận thấy ở những người nghiện công việc.

Bạn là một người "đam mê" công việc, bạn đã quen với một thói quen làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, khi cuối tuần đến, không có việc để làm, thời gian rảnh lại là nỗi sợ của bạn.

Các triệu chứng cụ thể của hội chứng lo âu cuối tuần

Dưới đây là một số "tín hiệu" cho thấy bạn có thể mắc hội chứng lo âu cuối tuần:

  • Cáu gắt
  • Đau đầu thường xuyên
  • Luôn cảm thấy hoảng loạn
  • Lo lắng quá nhiều
  • Cáu kỉnh
  • Đau dạ dày
  • Cảm giác bất an, không được thư giãn

Biện pháp để đối phó với WAS?

Nếu bạn đã quen với việc lên lịch từ thứ Hai đến thứ Sáu và không có lịch vào thứ Bảy và Chủ Nhật là điều khiến bạn cảm thấy lo lắng, thì hãy lên kế hoạch trước hoặc thậm chí thiết lập một số thói quen cho mình vào cuối tuần.

Hãy nghĩ về những điều mà bạn thấy dễ chịu hoặc thư giãn. Bạn có thể lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè hay đi xem phim hoặc đến quán cà phê và trò chuyện.

Thậm chí, bạn có thể quyết định dành thời gian một mình xem TV ở nhà hoặc chạy bộ trong công viên. Thiền, yoga cũng có thể giúp bạn đối phó với sự lo lắng.

Mỗi cuối tuần có thể có một chút khác biệt nhưng không sao cả. Tuần này bạn có thể cảm thấy cần phải dành cả 2 ngày để thư giãn ở nhà, tuần khác lại muốn ra ngoài và gặp gỡ với ai đó. Điều quan trọng nhất là không gây áp lực cho bản thân để làm việc này hay việc khác và đảm bảo bạn tận hưởng thời gian nghỉ ngơi của mình, bất kể nó ra sao.

Cập nhật: 28/03/2020 Theo Trí Thức Trẻ
  • 913