Hợp chất thần kỳ giúp người bị ngất tỉnh lại trong tức khắc

  •   12
  • 3.848

Muối ngửi là hợp chất giúp tăng cường hiệu suất hoạt động của con người, sử dụng trong những trường hợp bị bất tỉnh, tuy nhiên, nó tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe.

Muối ngửi (smelling salts) là hợp chất thường được sử dụng trong thể thao. Phần lớn vận động viên cử tạ đều sử dụng chúng trong các buổi tập luyện và thi đấu. Hợp chất này giúp vận động viên nâng được mức tạ nặng gấp đôi, ba lần trọng lượng cơ thể. Từ xa xưa, muối ngửi đã được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp khi một ai đó bị ngất xỉu, bất tỉnh.

Hợp chất “hồi sinh” tức thì

Muối ngửi được tạo ra từ hỗn hợp Amoni cacbonat (NH4)2CO3 và một vài chất khác. Ngày nay, một số loại muối ngửi chứa Amoniac loãng hòa tan cùng nước và etanol. Cả 2 công thức đều cung cấp chất kích thích có đặc tính phục hồi tức thì.

Theo Đại học Connecticut, Mỹ, trong quá khứ, các bác sĩ sử dụng muối ngửi để sơ cứu cho những người phụ nữ bị ngất xỉu. Cách làm này có từ Đế chế La Mã và phổ biến vào thời Victoria.

Từ 50 năm trước, nó có tác dụng chính là tăng cường hiệu suất cho các vận động viên muốn cải thiện thành tích, nhất là thi đấu khúc côn cầu, cử tạ. Tuy nhiên, muối ngửi lại bị cấm trong các cuộc thi đấu quyền anh để tránh việc võ sĩ đứng dậy chiến đấu sau khi chấn thương ở vùng đầu, bất tỉnh.

Với các vận động viên, mùi khó chịu của muối ngửi kích thích thần kinh, tăng sự tỉnh táo để họ tập trung vào trận đấu và nâng cao hiệu suất.


Muối ngửi được các vận động viên thể thao sử dụng nhiều. (Ảnh: Getty).

Ngất là tình trạng mất ý thức, nhịp tim chậm lại do nhiều nguyên nhân. Thông thường, nó xảy ra khi nạn nhân gặp vấn đề về hô hấp, huyết áp thấp khiến lượng oxy đến não bị thiếu hụt. Nạn nhân sẽ có dấu hiệu mất nước, lo lắng hoặc đau đớn.

Muối ngửi ngay lập tức gây kích ứng trực tiếp lên niêm mạc mũi, phổi và tạo phản xạ. Nó giúp tim đập nhanh hơn và ngăn phản xạ dây thần kinh phế vị. Khi hít vào, người bệnh sẽ không chủ ý nhưng nhịp thở nhanh hơn, cấp nhiều oxy đến não.

Cẩn trọng với nguy hại từ muối ngửi

Theo bác sĩ thần kinh Erin Manning - Bệnh viện Special Surgery (Mỹ), rất ít nghiên cứu chỉ ra tác dụng phụ từ muối ngửi. Tuy nhiên, một số tổ chức lo ngại ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng hợp chất này để tăng cường tỉnh táo trong thể thao.

Một số người sử dụng muối ngửi để chống lại tác động của chấn thương đầu. Tuy nhiên, Đại học Connecticut, Mỹ, khuyến cáo điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu một người bị chấn thương ở đầu, ngã đập đầu khi ngất xỉu, amoniac có thể khiến họ phản xạ giật mình quay đầu, cổ và dẫn tới nhiều nguy hiểm khác cho não.

Phổi luôn cố gắng làm sạch đường mũi, theo bản năng, khi muối ngửi đến gần, cơ thể sẽ có phản ứng tránh xa nó. Nếu đưa muối ngửi đến quá gần hoặc ngửi quá liều lượng, bệnh nhân có thể bị tổn thương não nặng thêm.

Trong nhiều trường hợp, khi nạn nhân được ngửi muối, đầu của họ sẽ bị kích thích mà không tự chủ, gây giật lùi. Điều này dễ dẫn đến chấn thương cột sống cho người bệnh. Nghiên cứu năm 2006 đăng trên tạp chí BMJ chỉ ra hệ quả trên có thể xảy ra khi chúng ta để muối ngửi quá gần nạn nhân.

Muối ngửi được tạo ra từ hỗn hợp Amoni cacbonat (NH4)2CO3 và một vài chất khác.
Muối ngửi được tạo ra từ hỗn hợp Amoni cacbonat (NH4)2CO3 và một vài chất khác. (Ảnh: Elbow).

Ngoài ra, Đại học Connecticut cũng đưa cảnh báo chúng ta cần sử dụng hợp chất này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cảnh báo hậu quả có thể xảy ra nếu tiếp xúc gần hoặc ngửi quá nhiều amoniac, chất tẩy rửa trong các sản phẩm. Nó có thể gây bỏng hoặc kích ứng phổi. Khi sử dụng, người bệnh nên ngửi hợp chất này ở khoảng cách 10 cm để đảm bảo an toàn.

Nhịp thở là một trong những yếu tố giúp bác sĩ đánh giá tình hình, mức độ chấn động của nạn nhân. Do đó, sử dụng muối ngửi khi sơ cứu cho người bị ngất, bất tỉnh có thể dẫn đến kết quả đánh giá không chính xác, gây khó khăn cho việc điều trị.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chấp thuận việc sử dụng muối ngửi để hồi sinh cho người bị ngất xỉu. Tuy nhiên, cơ quan này cho hay hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả mà chúng mang lại để nâng cao hiệu suất thể thao.

Cập nhật: 23/10/2020 Theo Zing
  • 12
  • 3.848