Huyết thanh kháng nọc rắn: Bao giờ mới đủ?

  •  
  • 3.597

Mỗi năm, Việt Nam có thể có tới hàng trăm ca bệnh do rắn cắn. Tuy nhiên, do mỗi loại huyết thanh kháng nọc rắn chỉ công hiệu đối với một loại rắn độc nhất định, nên rất nhiều trường hợp bị rắn cắn nhưng không có huyết thanh đặc hiệu để điều trị.

Một trong những người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về huyết thanh kháng nọc rắn (HTKNR) phải kể đến BS Trịnh Xuân Kiếm. Theo ông cho biết, từ năm 1991 đến năm 2007, ông đã nghiên cứu thành công ba loại HTKNR hổ đất, chàm quạc, hổ chúa.


Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện trong các phòng thí nghiệm để bào chế các
loại huyết thanh kháng nọc rắn mới. Ảnh chụp tại một công ty nghiên cứu dược phẩm
ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Thái Ngọc)

Từ trước 1894, nhà khoa học người Pháp – TS. Albert Calmette (1863 - 1933) đã nghiên cứu về HTKNR tại viện Pasteur Sài Gòn. Đến năm 1894, ông là người đầu tiên phát minh ra HTKNR trên thế giới. Nhưng mãi đến sau năm 1990, Việt Nam mới có một vài loại HTKNR được sản xuất tại VN.

Tuy nhiên, HTKNR cọp nia dù đã nghiên cứu thành công, vẫn chưa được thử nghiệm lâm sàng. TS Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế tại Nha Trang cũng cho biết, viện đã từng phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu thành công HTKNR cạp nong và cạp nia, nhưng đành phải để dỡ dang vì chưa thử nghiệm lâm sàng.

TS Bé giải thích, khó khăn nhất cho trong việc nghiên cứu HTKNR chính là ở khâu thử nghiệm lâm sàng. Cần phải thử nghiệm nhiều “pha” trên người bệnh. Mỗi “pha”, yêu cầu phải thử nghiệm trên người từ 50 – 300 bệnh nhân. Tất nhiên là không thể có đủ số người bị rắn cắn để thử. Mặc khác, dù HTKNR được phép sản xuất thì số lượng tiêu thụ cũng không nhiều. Như vậy thì việc đầu tư sản xuất HTKNR sẽ không có ý nghĩa kinh tế.

Một tín hiệu đáng mừng... PGS-TS Nguyễn Lê Trang, nguyên trưởng phòng hóa miễn dịch Viện Pasteur TP.HCM, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về HTKNR cho rằng, lý tưởng nhất là nghiên cứu một loại huyết thanh đa độc tố có thể điều trị chung trong tất cả các trường hợp rắn cắn, dù nọc của chúng thuộc bất kỳ loài nào.

Nếu có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thì chỉ từ 2 – 4 năm, Việt Nam có thể đưa loại HTKNR đa độc tố vào điều trị.

Theo Đất Việt
  • 3.597