IPv6, vì sao triển khai chậm?

  •  
  • 259

Theo các chuyên gia thì nguồn địa chỉ (ĐC) Internet phiên bản 4 (IPv4) trên toàn cầu đã sắp cạn kiệt và các DN có thể đối mặt với nhiều bất lợi nếu không kịp thời chuyển đổi sang phiên bản mới IPv6.

Bên cạnh đó, hiện nay việc đăng ký ĐC IPv6 ở khu vực cũng như VN đã dễ dàng và rẻ hơn đối với ĐC IPv4. Vậy tại sao việc chuyển đổi vẫn rất chậm chạp?

DN chưa mặn mà

IPv4 có cơ cấu 32 bit (32 chữ số thập phân), cho phép sử dụng khoảng 4 tỉ ĐC IP. Hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 800 triệu ĐC chưa cấp, trong khi nhu cầu về ĐC IP ngày càng tăng mạnh ở mọi khu vực. Theo ước tính thì chỉ đến khoảng năm 2011 là nguồn ĐC IP cạn kiệt, thậm chí có chuyên gia dự báo thời điểm này có thể đến sớm hơn - khoảng cuối 2008 - đầu 2009.

Trao đổi với báo giới ngày 19.7, các chuyên gia của VN và quốc tế trong vấn đề này cho biết, để duy trì và phát triển mạng Internet cũng như các dịch vụ (DV) trên nền đó thì yêu cầu chuyển đổi sang IPv6 đến nay đã trở nên vô cùng cấp thiết. IPv6 sử dụng cơ cấu 128 bit, cho phép cung cấp số ĐC IP lớn tới mức gần như vô hạn, có thể cung cấp thoải mái cho mọi nhu cầu phát triển trong tương lai xa.

Theo ông Trần Sơn, phụ trách bộ phận chính sách của Trung tâm Thông tin mạng Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), thì trên thế giới đã có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước Châu Âu tích cực nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai IPv6 cũng như các DV gia tăng. Tuy nhiên, ở VN, mặc dù IPv6 đã được cung cấp nhưng hầu như vẫn chưa được quan tâm sử dụng.

Ông Trần Minh Tân - Phó GĐ Trung tâm Internet VN (VNNIC), cho biết VNNIC đã tiến hành cấp ĐC IPv6 rộng rãi kể từ năm 2006, nhưng hầu hết các DN cung cấp DV vẫn chỉ đăng ký ĐC IPv4 mà không quan tâm gì tới IPv6. Chỉ riêng có VNPT đăng ký một số ĐC IPv6, nhưng rồi cũng về để đó, không sử dụng gì tới.

Trong khi đó, cũng theo ông Tân, việc đăng ký IPv6 hiện nay còn dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với IPv4. Nếu như để đăng ký IPv4, DN phải rất kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng, kế hoạch phát triển, và chỉ được cấp theo đúng nhu cầu, thì với IPv6 việc cấp "thoáng" hơn rất nhiều. Hơn nữa, với cùng một mức phí thì DN được cấp số lượng ĐC IPv6 gấp nhiều lần so với ĐC IPv4. Vậy tại sao các DN vẫn không mấy mặn mà với IPv6?

Bài toán kinh tế

Trả lời câu hỏi trên, các chuyên gia nhận định mấu chốt nằm ở nhận thức lâu dài và bài toán kinh tế trước mắt. Một số DN cho rằng, việc xin cấp IPv4 mặc dù khó khăn hơn IPv6 nhưng vẫn khá thoải mái, cần đến đâu vẫn được cấp đến đó, nên chưa nhận thấy nhu cầu về IPv6. Thêm vào đó, việc triển khai IPv6 đòi hỏi sự nghiên cứu, đầu tư thiết bị, thử nghiệm các DV liên quan, khả năng bảo mật, đào tạo người dùng... Những việc này yêu cầu không ít tiền bạc và thời gian, nên các DN còn ngần ngại.

Tuy nhiên, theo ông Sơn thì đầu tư cho IPv6 từ sớm là một quyết định khôn ngoan mà những DN có tầm nhìn xa nên làm. Thứ nhất, số lượng ĐC IPv4 chắc chắn rồi sẽ đến lúc cạn kiệt, khi đó các DN sẽ không thể mở rộng các DV đang có và nhất là không thể triển khai các DV mới. Do vậy, việc đầu tư sớm sẽ giúp DN giữ được thế chủ động khi điều tất yếu xảy đến.

Thứ hai, việc đầu tư sớm sẽ giúp DN sớm đưa ra được những DV mới đòi hỏi ứng dụng IPv6 trước các đối thủ, tạo lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, các DV như IPTV, VoIP, kết nối Internet tới từng thiết bị điện tử (tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi...)... đòi hỏi một số lượng ĐC IP khổng lồ mà IPv4 không thể đáp ứng nổi, hoặc đáp ứng với chất lượng kém (ví dụ VoIP cho chất lượng thoại rè, IPTV cho hình ảnh chậm và kém...).

Bên cạnh đó, IPv6 sẽ giúp tăng chất lượng DV nhờ khả năng gán cho mỗi thiết bị một ĐC IP thật, thay vì sử dụng giải pháp dùng ĐC "ảo" (NAT) cho các thiết bị trong cùng một mạng như hiện nay nhằm tiết kiệm số ĐC IP.

Theo Lao Động
  • 259