Khai mạc Olympic Toán quốc tế: Tràn ngập sắc màu

  •  
  • 626

Chiều 24/7, lễ khai mạc cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO - International Mathematical Olympiad) lần thứ 48 đầy màu sắc và hấp dẫn đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tham dự có 526 học sinh và 182 đại biểu các đoàn Olympic Toán học quốc tế đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và tuyên bố khai mạc.

Lễ khai mạc đầy màu sắc

Khi đoàn quan chức, dẫn đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu bước vào hội trường, tất cả các thí sinh đồng loạt đứng dậy và vỗ tay những tràng dài không ngớt.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Lần đầu tiên IMO tổ chức tại Việt Nam là một vinh dự lớn cho đất nước, đồng thời thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng toán học quốc tế với Việt Nam”.

"Việc tổ chức kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Việt Nam sẽ thúc đẩy phong trào học tập, đặc biệt là học Toán trong giới trẻ Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng cho nền toán học VN cũng như thế giới”, Thứ trưởng Trần Văn Nhung, Trưởng ban tổ chức IMO 2007 nhận định.

Lễ khai mạc kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 48.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu khai mạc. (Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN)

Bài phát biểu của các vị đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Toán học đối với sự phát triển của xã hội, khẳng định đây là "khoa học của mọi khoa học", là nền tảng của các ngành khoa học khác.

GS Joshep Pelikan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Olympic Toán quốc tế chia sẻ: "Trong những ngày tới, các thí sinh sẽ cùng nhau thi thố tài năng và chia sẻ kinh nghiệm trong học tập môn Toán. Tôi tin chắc rằng, đây sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên đối với các em".

IMO không chỉ là một kỳ thi cạnh tranh quyết liệt, mà còn là dịp để các bạn trẻ có cơ hội giao lưu với bạn bè năm châu, và tìm hiểu các nét văn hóa mới lạ.

Dưới hàng ghế đội tuyển, gương mặt các bạn học sinh quốc tế háo hức. Nhiều bạn mang theo máy ảnh, máy quay phim, tranh thủ trước giờ khai mạc chụp ảnh lia lịa như để lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm.

Đặc biệt ấn tượng với các thí sinh là màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống của VN. Những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, tiếng đàn bầu, tiếng sáo, những bài đồng dao vui nhộn... dường như có sức hấp dẫn đặc biệt với các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Không những theo dõi rất chăm chú, nhiều bạn còn lấy camera ghi hình các tiết mục nghệ thuật độc đáo lần đầu được thưởng thức. Khi trên sân khấu đang diễn ra màn hòa tấu các nhạc cụ dân tộc, một phóng viên "lân la" đến đề nghị phỏng vấn nhanh một thí sinh thì bị từ chối với lý do "đang xem biểu diễn".

Đoàn HS Việt Nam (Ảnh: VNN)

Nước chủ nhà chu đáo

Năm nay, Việt Nam lần đầu tiên được đăng cai IMO. Để chuẩn bị cho kỳ thi, một đoàn đại biểu đã sang tham dự kỳ thi IMO 2006 tại Slovenia năm ngoái, để học hỏi công tác tổ chức.

Khâu ra đề và chấm thi là quan trọng nhất đối với một kỳ IMO. Theo Điều lệ IMO, trước khi kỳ thi diễn ra, các quốc gia tham dự gửi đến BTC các đề thi của mình, riêng nước chủ nhà không được quyền này.

BTC có nhiệm vụ chọn ra những đề thi hay, không trùng lắp (hoặc gần giống) với những đề thi đã ra trước đó trên khắp thế giới. Sau đó, Hội đồng các trưởng đoàn sẽ xây dựng đề thi IMO trên cơ sở ngân hàng đề bài này.

Năm nay, có 150 đề thi gửi từ 34 nước. Nước chủ nhà Việt đã mời 2 chuyên gia người Hungary và người Nga, chuyên theo dõi các kỳ thi Toán quốc tế hàng năm đến hỗ trợ trong công tác chọn đề (tránh đề trùng với các dạng bài, các kỳ thi khu vực những năm gần đây, hoặc các kỳ thi Toán trong năm của các quốc gia).

Đề thi được dịch ra các thứ tiếng khác nhau. Các thí sinh làm bài bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Khi chấm thi, các trưởng đoàn và phó đoàn từng nước thường làm nhiệm vụ bảo vệ bài làm của các thí sinh trước ban chấm thi.

Ban chấm thi gồm 50 chuyên gia Toán học của Việt Nam, đến từ Viện Toán học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm Hà Nội và gần 30 nhà Toán học người Việt đang làm việc tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu uy tín của nước ngoài. Trong đó, có rất nhiều tên tuổi đã từng tham gia và đoạt giải IMO trước đây, như Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn, Hà Huy Tài, Vũ Hà Văn…


Đoàn HS Mexico (Ảnh: VNN)

Những thành viên ban chấm thi biết rất nhiều thứ tiếng phổ biến trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc... Tuy nhiên, vẫn còn thiếu người biết một số thứ tiếng như Arab, Triều Tiên, Nhật Bản... nên sẽ phải mời thêm phiên dịch. 80 chuyên gia này sẽ phải chấm 3.600 bài thi trong hai ngày.

BTC IMO 2007 đã phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), A10 (Bộ Công an), Cụm cảng hàng không, An ninh cửa khẩu sân bay, Hải quan... để thực hiện các thủ tục giúp thành viên các đoàn xin thị thực nhập - xuất cảnh Việt Nam và xây dựng phương án đón, tiễn các đoàn tài sân bay.

Ban Tổ chức IMO 2007 cũng phối hợp với Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự xã hội cho các hoạt động của IMO 2007, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông trong thời gian tổ chức các hoạt động của IMO 2007.

BTC cũng đã tuyển chọn 500 tình nguyện viên thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp… nhằm hỗ trợ các đoàn học sinh giỏi và quan sát viên đi cùng..

Ngày mai (25/7), các thí sinh sẽ bước vào cuộc thi kéo dài 2 ngày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Ba ngày tiếp theo (27, 28, 29/7), các thí sinh sẽ tham gia các hoạt động tham quan và giao lưu. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu du lịch sinh thái Đầm Long (Sơn Tây) và các di tích quanh Hà Nội là những điểm tham quan trong lịch trình.

Ngày 30/7, sẽ diễn ra lễ bế mạc và trao giải. Theo một thành viên BTC, kết quả thi sẽ có sớm nhất vào đêm 29/7.

IMO – Sân chơi lớn của học sinh quốc tế


Đội tuyển Triều Tiên đã trở lại sau hơn 10 năm vắng bóng. (Ảnh: ND)

IMO là kỳ thi Toán quốc tế dành cho học sinh ở bậc trung học phổ thông, được tổ chức thường niên. Kỳ thi IMO lần đầu tiên được tổ chức tại Rumani vào năm 1959, với 7 nước tham dự. Càng ngày, quy mô của cuộc thi càng mở rộng, và hiện tại thu hút trên 90 quốc gia tham gia thường xuyên.

Mỗi đoàn tham dự IMO gồm tối đa 6 học sinh và 1 trưởng đoàn, 1 phó đoàn. Các thí sinh có 2 ngày thi tài với 6 bài Toán. Mỗi ngày 3 bài Toán, thi trong 4h30 giờ. Theo kinh nghiệm IMO, bài số 3 và bài số 6 thường là những bài khó, nhằm kiếm những người xuất sắc nhất.


Đội tuyển Nigeria trong bộ trang phục ấn tượng. (Ảnh: ND)

Thang điểm của tất cả 6 bài toán là như nhau (7 điểm). Tổng điểm tối đa là 42. Theo quy định của IMO, Top 1/12 thí sinh có tổng điểm cao nhất sẽ được trao huy chương Vàng, 2/12 thí sinh có số điểm kế tiếp sẽ được nhận huy chương Bạc, 3/12 thí sinh sau đó được nhận huy chương Đồng. Tức là có 1 nửa số thí sinh đi thi sẽ được trao huy chương. Một nửa số thí sinh còn lại, nếu ai đạt điểm 7 trong bất kỳ câu hỏi nào, đều được nhận bằng khen danh dự.

Tham gia từ năm 1974, đến nay Việt Nam là một trong những nước có thành tích rất cao tại các kỳ IMO. Hầu hết học sinh Việt Nam đi thi đều đoạt huy chương, tức là nằm trong nửa trên của các học sinh đi thi quốc tế. Nhiều thí sinh đạt HCV và đến nay đã có 8 học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42. Xếp hạng chung cuộc toàn đoàn, Việt Nam thường nằm trong Top 10.

Các nước có truyền thống được giải cao là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Rumani, Hungary…

Hoàng Lê – Lan Hương

Theo Vietnamnet
  • 626