Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học, các chuyên gia sinh hóa Mỹ đã biết cách tận dụng vi khuẩn đường ruột để sản xuất năng lượng.
Bằng cách thay đổi cấu trúc gene cơ bản của vi khuẩn Escherichia coli (E. Coli), các chuyên gia sinh hóa thuộc Đại học California (Mỹ) có thể kích thích nó sản xuất các chất cồn có chuỗi phân tử dài. Những loại cồn này đậm đặc hơn nhiều so với cồn được tạo ra từ ngũ cốc.
Ethanol, một trong những nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học hàng đầu trên thế giới, chỉ chứa hai nguyên tử carbon (C). Chất cồn có cấu trúc phân tử dài nhất được sản xuất bằng phương pháp tự nhiên cũng chỉ có tối đa 5 nguyên tử C. Nhưng chất cồn do E. Coli biến đổi gene tạo ra có tới 8 nguyên tử C trong chuỗi phân tử, đồng nghĩa với việc nó có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn.
Ngoài ra, loại cồn này cũng dễ tách khỏi nước. Đây là đặc tính lý tưởng đối với nhiên liệu sinh học. "Chuỗi phân tử dài của nó có rất nhiều lợi thế. Nó có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn trên một đơn vị thể tích so với cồn tự nhiên, không gặm mòn động cơ và dễ tương thích với nhiên liệu phản lực cũng như diesel", James Liao, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Khuẩn đường ruột Escherichia coli. Ảnh: .thebacteriabusters.com. |