Khám phá cơ chế cảm nhận vị giác của não

  •  
  • 1.201

Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cho biết họ vừa khám phá cơ chế truyền thông tin giữa lưỡi và não bộ sau khi phát hiện sự hiện diện của các tế bào thần kinh chuyên biệt cho 5 loại hương vị - mặn, đắng, chua, ngọt và vị umami (giống vị bột ngọt).

>>> Vị giác dưới góc nhìn khoa học

Khám phá cơ chế cảm nhận vị giác của não

Lâu nay chúng ta đều nghĩ lưỡi là cơ quan cảm thụ vị giác chủ chốt, với khoảng 8.000 tế bào cảm thụ vị giác được phân bố khắp bề mặt lưỡi. Các thụ thể này có chức năng phát hiện tín hiệu vị đặc thù trong thực phẩm và truyền đến não, giúp chúng ta nhận biết vị thức ăn. Chính xác quá trình não xử lý thông tin này như thế nào thì chưa rõ, nhưng nghiên cứu mới cho thấy quyết định về loại vị được nếm là do não, chứ không phải do lưỡi.

Phát hiện này dựa trên một thử nghiệm ở chuột đã được biến đổi gene để các tế bào thần kinh vị giác của chúng phát sáng khi bị kích thích. Tiếp đến, nhóm chuột này được cho ăn các hóa chất nhằm kích hoạt các phản ứng đối với 5 loại vị trên lưỡi. Theo dõi sự thay đổi của các tế bào thần kinh ở đáy não, nhóm nghiên cứu phát hiện các tế bào thần kinh vị giác phát sáng khi chuột nếm những vị khác nhau, chứng tỏ giữa lưỡi và não có sự kết nối thần kinh với nhau.

Theo Giáo sư Charles Zuker, các tế bào vị giác được tái tạo theo chu kỳ 2 tuần/lần bởi tế bào gốc trong lưỡi. Tuy nhiên, quá trình này giảm dần theo tuổi tác. Vì vậy, nghiên cứu này có thể giúp phát triển liệu pháp phục hồi chứng mất vị giác ở người lớn tuổi.

Tham khảo: BBC

Theo Báo Cần Thơ, BBC
  • 1.201