Động vật ăn thịt bị mất khả năng cảm nhận vị ngọt

  •  
  • 1.449

Tạp chí Mỹ Proceedings of the National Academy of Sciences ngày 12/3 đăng nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu và Mỹ cho rằng nhiều loài thú ăn thịt dường như mất khả năng cảm nhận vị ngọt theo thời gian.

Theo các nhà khoa học tại Trung tâm các giác quan hóa học Monell ở Pennsylvania, Mỹ và Đại học Zurich, Thụy Sĩ, hầu hết các động vật có vú được cho là có khả năng cảm nhận các vị ngọt, thơm, đắng, mặn và chua.

Sau khi đã mô tả quá trình vị giác ngọt bị mất ở mèo nhà và mèo rừng do một khiếm khuyết gene, nhóm các nhà khoa học này đã nghiên cứu 12 loài động vật có vú khác nhau sống chủ yếu bằng thịt và cá, đồng thời chú ý đến các gene thụ cảm vị ngọt là Tas1r2 Tas1r3.

Sư tử biển đã bị mất khả năng cảm nhận vị ngọt.
Sư tử biển đã bị mất khả năng cảm nhận vị ngọt.

Kết quả cho thấy, 7 trong số 12 loài này có các mức độ biến đổi khác nhau trong gene Tas1r2 khiến chúng không thể cảm nhận vị ngọt, trong đó bao gồm sư tử biển, hải cẩu tai lớn, hải cẩu cảng, rái cá vuốt bé châu Á, linh cẩu đốm và cá heo mũi chai.

Sư tử biển và cá heo - hai loài được cho là đã tiến hóa từ những loài động vật có vú sống trên cạn từ hàng chục triệu năm trước, có xu hướng nuốt toàn bộ thức ăn và không thể hiện bất cứ sự ưa thích vị ngọt nào.

Ngoài ra, cá heo dường như có ba gene thụ cảm vị giác không hoạt động, chứng tỏ chúng không cảm nhận được vị ngọt, thơm hay đắng.

Tuy nhiên, các loài động vật có vú thường tiếp xúc với các vị ngọt, như gấu trúc Mỹ, rái rá Canada, gấu bốn mắt và cáo đỏ, vẫn giữ được các gene Tas1r2, chứng tỏ chúng vẫn có thể cảm nhận được vị ngọt cho dù chỉ ăn thịt là chính.

Ông Gary Beauchamp, tác giả cao cấp và là nhà sinh vật học hành vi tại Monell khẳng định: “Phát hiện của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy cái mà động vật, kể cả con người, thích ăn phụ thuộc đáng kể vào chức năng sinh học thụ cảm vị giác cơ bản của chúng".

Theo Vietnam+
  • 1.449