Khỉ có thể nhận biết ngữ pháp đơn giản

  •  
  • 427

Khỉ có thể tạo ra câu hoàn chỉnh và nói có trọng âm – một nghiên cứu mới đây cho thấy loài họ hàng này của con người cũng nhận biết được ngữ pháp đơn giản.

“Chúng tôi thực sự tò mò muốn biết liệu ở khỉ có những xu hướng ngôn ngữ cơ bản là thêm âm vào đuôi từ như ở người hay không, ví dụ như thêm “ed” vào sau các động từ tiếng Anh để tạo thành thì quá khứ,” dẫn lời Ansgar Endress, nhà ngôn ngữ học thuộc đại học Harvard, trưởng nhóm nghiên cứu lần này.

Nghiên cứu trước đó ở loài khỉ sóc Pana (cotton-top tamarin hoặc Saguinus geoffroyi theo danh pháp khoa học) cho thấy loài này có thể hiểu được ngữ pháp cơ bản, ví dụ, xác định theo logic từ nào sẽ đi sau từ nào trong một câu.

Nhưng cũng từ nghiên cứu đó, kết quả công bố trên tờ Science năm 2004 lại cho thấy khỉ không thể hiểu được ngữ pháp phức tạp, ví dụ như khi các từ trong một phụ thuộc vào nhau nhưng lại tách biệt nhau.

Trong khi nghiên cứu nói trên cho rằng khỉ không có nhận biết nào về giao tiếp phức tạp, thì nghiên cứu mới đây lại cho thấy khỉ sóc Pana có thể nắm được ít nhất một khái niệm phức tạp: đó là tiền tố và hậu tố.

“Chơi” chữ

Trong nghiên cứu, mỗi ngày 30 phút, Endress cùng các đồng nghiệp bật một băng ghi âm tiếng Anh cho một đàn khỉ nhốt trong chuồng nghe.

Một nửa số khỉ được nghe những từ có gốc từ khác nhau nhưng cùng chung một hậu tố (ví dụ như bi-shoy, mo-shoy, và lu-shoy). Nửa còn lại được nghe một tiền tố cố định ghép với các gốc từ khác nhau (ví du như shoy-bi, shoy-mo, và shoy-lu).

(Ảnh: Michael Nichols/NGS)

Ngày hôm sau, từng con khỉ được đưa đến một khu quan sát riêng có loa phát âm và thiết bị quay video để ghi lại hành vi của chúng. Những con này lại được nghe thêm nhiều từ nữa.

Hầu hết các từ đều tuân theo quy luật ngôn ngữ mà khỉ đã được nghe ngày hôm trước, tức là một nửa số khỉ tiếp tục được nghe hậu tố “shoy” và một nửa được nghe tiền tố “shoy”.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng các nhà nghiên cứu lại đan vào một từ trái quy luật. Ví dụ, khi loa đang phát từ có hậu tố “shoy” thì lại có một từ tiền tố “shoy” chen vào, hoặc ngược lại.

Cơ cấu trí óc

Các nhà sinh học khác không tham gia và không hay biết gì về mục đích của nghiên cứu được yêu cầu quan sát và ghi lại thời điểm mỗi khi con vật ngoái đầu về phía loa.

Khi các con khỉ được nghe một từ trái với quy luật chúng đã biết ngày hôm trước, chúng sẽ nhìn về phía chiếc loa với một cử chỉ giống như bị giật mình, nhóm quan sát ghi nhận.

Phát hiện này thật thú vị, Endress giải thích, nó tiết lộ người anh em họ xa của chúng ta dường như có một cơ cấu trí óc xác định được cấu trúc của ngôn từ, ví dụ như tiền tố và hậu tố.

Kết quả nghiên cứu sẽ xuất hiện trên tờ Biology Letters số ra tuần này.

G2V Star (Theo National Geographic)
  • 427