Khí hậu nóng lên ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn Nam Cực

  •  
  • 844

Sự biến đổi khí hậu nhanh chóng trên bán đảo Nam Cực đã gây ra sự thay đổi đồng thời trong năng suất sinh học của khu vực. Đây là phát hiện của một nghiên cứu mới nhằm giải thích tại sao một số loài chim cánh cụt và các loài vật khác sinh sống tại nơi đây đang dần suy giảm.

Phần phía tây của Bán đảo Nam Cực (vùng cực bắc của lục địa) nóng lên khoảng 4,5 độ F (tương đương với 2,5 độ C) trong suốt 30 năm qua, mức tăng này lớn hơn mức tăng nhiệt độ ở bất cứ khu vực nào đồng thời làm giảm diện tích biển băng.

Sự tăng nhiệt độ gây ra biến đổi từ rét buốt, khí hậu khô đến khí hậu ấm hơn, điều kiện ẩm ướt hơn ít nhất là ở vùng phía bắc của bán đảo trong những thập kỷ vừa qua.

Cùng với sự thay đổi nhiệt độ mang tính cục bộ này, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các quần thể chim cánh cụt Adélie và nhuyễn thể - cả hai loài đều phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu lạnh và khô – di chuyển về phía nam (hướng đến cực). Trong khi đó các loài khác, đặc biệt là chim cánh cụt Chinstrap, đang dần chiếm lĩnh các vùng phía bắc.

Con thuyền phá băng thuộc quyền sở hữu của Quỹ khoa học tự nhiên định vị các vùng biển gần kề trạm Palmer. Trạm Palmer nằm ở phần phía tây của Bán đảo Nam Cực. Những ngày trong xanh như thế này rất hiếm thấy ở Nam Cực bởi mây hầu như lúc nào cũng bao phủ bầu trời. (Ảnh: Science/AAAS)

Martin Montes – Hugo thuộc Đại học Rugers, New Jersey cùng với các cộng sự cho rằng sự di cư của các loài chim cánh cụt có thể liên quan đến các thay đổi trong phần gốc của chuỗi thức ăn ở Nam Cực, đó chính là sinh vật phù du.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh cùng các nghiên cứu thực địa suốt 30 năm qua, các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng lượng sinh vật phù du ở vùng phía tây bán đảo Nam Cực đã suy giảm 12% trong suốt thời gian nghiên cứu.

Montes – Hugo cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi chứng minh được rằng có sự biến đổi đang tiếp diễn về lượng cũng như thành phần sinh vật phù du ở vùng phía tây của bán đảo Nam Cực, điều này có liên quan đến sự biến đổi khí hậu lâu dài. Sự biến đổi liên quan đến sinh vật phù du có thể giải thích phần nào sự suy giảm quan sát được của một số quần thể chim cánh cụt”.

Kết quả của nghiên cứu được Quỹ khoa học tự nhiên tài trợ một phần được công bố trên số ra ngày 13 tháng 3 trên tờ Science.

Thành viên của nhóm nghiên cứu, Hugh Ducklow thuộc Phòng thí nghiệm sinh học biển tại Woods Hole, Mass., cho biết: “Giờ chúng ta đã biết được rằng biến đổi khí hậu tác động đến phần gốc của lưới thức ăn, và lan tỏa đến toàn bộ chuỗi thức ăn”.

G2V Star (Theo LiveScience)
  • 844