Đó là 2 sự kiện vào cuối kỷ Trias và đầu kỷ Toarcian. Hóa ra, núi lửa đã không khiến nhiệt độ giảm xuống, mà ngược lại làm nhiệt độ toàn cầu tăng mạnh.
Trong lịch sử Trái đất đã từng có nhiều sự kiện tuyệt chủng hàng loạt xảy ra. Và theo một nghiên cứu mới đây, ít nhất 2 trong số đó bị gây ra bởi quá trình nhiệt độ toàn cầu nóng lên.
Cụ thể, đó là 2 sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Trias (LTE) và sự kiện đầu kỷ Toarcian (ETOE). Trước kia, cả 2 được cho là có liên quan đến sự kiện núi lửa khổng lồ phát nổ làm biến đổi khí hậu và khiến tốc độ tuyệt chủng tự nhiên trong khu vực bị đẩy mạnh.
Nhiệt độ tăng mạnh dẫn tới 2 sự kiện tuyệt chủng trên Trái đất.
Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn là như thế. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng thảm họa tuyệt chủng hàng loạt trong những giai đoạn này là do nhiệt độ toàn cầu tăng lên quá nhanh. Kéo theo đó là nhiệt độ và nồng độ acid trong nước biển tăng mạnh, trong khi nồng độ oxy thì giảm hẳn xuống.
"Các dữ kiện cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về quy mô thảm họa giữa quá trình nhiệt độ nóng lên trong từng giai đoạn" - trích trong báo cáo nghiên cứu.
Được biết, LTE và ETOE diễn ra lần lượt từ cách đây 201 - 187 triệu năm. Trong đó, ETOE được xem là sự kiện tuyệt chủng lớn thứ 2 lịch sử Trái đất liên quan đến các sinh vật biển.
Để có được kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã lập mô hình tuyệt chủng ở cả 2 sự kiện, dựa trên dữ liệu về các loài thủy sinh trên toàn cầu. Ở cả 2 sự kiện, các sinh vật bị tuyệt chủng đều là do không thể thích ứng với khí hậu mới - hay còn gọi là "tuyệt chủng chọn lọc" (selective extinction).
Khí hậu ở thời điểm này đã biến đổi hết sức cực đoan.
Theo đó, khí hậu ở thời điểm này đã biến đổi hết sức cực đoan. Nhiệt độ nóng lên quá nhanh, oxy trong nước giảm xuống, và nước biển bị acid hóa đã đẩy các loài sinh vật vào chỗ tuyệt diệt. Đồng thời, các rạn san hô cũng đổ sụp.
"Dù có khác về điều kiện, số lượng loài, tốc độ toàn cầu nóng lên và môi trường sống, nhưng về cơ bản thì cả hai đều có chung xu hướng tuyệt chủng" - trích trong báo cáo nghiên cứu.
"Ở cả 2 sự kiện, các loài sinh vật biển - bao gồm nhóm săn mồi, các loài phát quang ở tầng đáy là những cá thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất".
Núi lửa phun đã không khiến nhiệt độ trong giai đoạn này giảm xuống. Mọi chuyện hóa ra ngược lại.
Bởi lẽ, nó hé lộ một phần câu chuyện sẽ xảy ra với chúng ta ngày nay, khi vấn đề khí hậu toàn cầu nóng lên đang trở nên nhức nhối.
Hiện tại, san hô tại "Great Barrier" của Úc đang bị tẩy trắng vì nồng độ acid trong nước biển tăng cao. Sinh vật biển đang ngày càng bị thu hẹp môi trường sống. Thậm chí, có những vùng biển được xem là "biển chết", vì mức oxy trong đó là bằng 0.
San hô bị tẩy trắng tại rạn san hô Great Barrier.
Với nghiên cứu lần này, khoa học ít nhất cũng có thể biết được đâu sẽ là những sinh vật chịu ảnh hưởng nhiều và dễ bị tuyệt chủng nhất, và từ đó có những đối sách phù hợp hơn.