Những mẩu than, đá lạ, đá lẫn lưu huỳnh từ địa ngục đã giúp các nhà khoa học tái hiện lại ngày trái đất hứng chịu thảm họa tương đương 10 tỉ quả bom nguyên tử.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Texas (Mỹ) và Imperial College London (thuộc Đại học London, Anh), đã lấy được lõi vật chất sâu 1.300m từ miệng hố va chạm Chicxulub 66 triệu năm tuổi - tức nơi tiểu hành tinh giết chết loài khủng long đã "hạ cánh" – và khám phá ra nhiều điều bất ngờ.
Các nhà khoa học đang làm việc với các ống mẫu vật lấy lên từ đáy hố va chạm - (ảnh: ĐẠI HỌC TEXAS).
Họ tìm thấy đá granite, sa thạch, đá vôi, than, đá lẫn lưu huỳnh… trong trạng thái mà họ mô tả là "từ địa ngục". Bởi lẽ, khi được phân tích, các khoáng vật này hé lộ rằng chúng đã bị nhấn, ghim chặt vào đất với tốc độ cực kỳ nhanh, nhiều mảnh đá nhỏ là một phần của những tảng đá lớn bị tan chảy. Tất cả đã giúp nhóm nghiên cứu viết lại kịch bản từng phút của thảm họa xảy ra trên Trái đất.
Các khoáng vật bị ghim chặt nhanh chóng xuống đáy hố, hé lộ nhiều thông tin - (ảnh: IODP).
Giáo sư Sean Gulick (Đại học Texas) cho biết các khoảng vật như "một bản ghi mở rộng" về các sự kiện mà ông và các đồng nghiệp có thể phục hồi dữ liệu để một lần nữa nhìn lại sự kết thúc của thời đại khủng long.
Tiểu hành tinh định mệnh, ước tính rộng đến 10-15km đã lao vào Trái đất với tốc độ 70.000km/giờ, với sức mạnh của cú va chạm tương đương 10 tỉ quả bom nguyên tử. "Tác động làm rung chuyển Trái đất, gây ra một địa ngục rộng khắp" – các tác giả mô tả.
Hàng ngàn dặm cây cối bốc cháy trong tích tắc, đồng thời một cơn sóng thần khổng lồ cao đến 91m được sinh ra từ nơi va chạm, quét các khoáng vật và ghim một phần xuống miệng hố va chạm như những gì chúng ta tìm thấy. Chỉ trong ngày đầu tiên, lượng vật chất dày tới 130m đã đọng lại trong miệng hố va chạm.
Một lượng lớn các tảng đá bị bốc hơi, ném khoảng 325 tỉ tấn khí vào không khí, tạo nên những đám mây lưu huỳnh dày đặc ngăn cản ánh mặt trời soi rọi xuống mặt đất, khiến Trái đất sau khi chìm trong biển lửa lại nhanh chóng hóa "địa ngục băng".
Ảnh đồ họa mô tả thảm họa 66 triệu năm trước - (ảnh: Don Davis/NASA).
Mọi sinh vật địa cầu đã phải hứng chịu sự đau khổ mà các tác giả mô tả là "chiên chúng và sau đó đóng băng chúng". Theo giáo sư Gulick, rất nhiều con khủng long đã chết trong ngày đầu tiên xảy ra thảm họa. Chúng bị thiêu sống hoặc chết đói. Những con sống dai hơn thì phải chịu những ngày dài lạnh lẽo và chết đói vì đại tuyệt chủng đồng thời tiêu diệt nhiều động thực vật khác nữa.
Trong khi vụ va chạm, cháy rừng và sóng thần giết chết các sinh vật quanh vùng thảm họa, thì những đám mây lưu huỳnh khiến Trái đất không còn nhận được ánh sáng mặt trời mới thực sự gây ra đại tuyệt chủng toàn cầu.
Dấu vết rõ ràng nhất còn lại của thảm họa là miệng hố va chạm Chicxulub ngoài khơi bán đảo Yucatan (Mexico), rộng 185km mà sâu tới 32km. Một nửa hố nằm dưới nước, nửa còn lại được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science (PNAS).