Không chỉ quả, vỏ măng cụt cũng đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe

Lợi ích của vỏ mang cụt không phải ai cũng biết
  •  
  • 239

Vỏ măng cụt được biết đến với nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, đặc biệt giàu chất chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng histamin và các đặc tính có lợi khác vì chứa nhiều hoạt chất như xanthones, anthocyanin, phenol và tannin.

Măng cụt được mệnh danh là "nữ hoàng của các loại trái cây" bởi đây là một trong những loại trái cây nhiệt đới có giá trị dinh dưỡng cao, được yêu thích bởi vị ngọt thanh, dịu mát. Ngoài phần quả bên trong, vỏ của măng cụt chứa nhiều chiết xuất có lợi đối với sức khoẻ, thậm chí còn chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn cả phần lõi.

1. Giá trị dinh dưỡng của quả và vỏ măng cụt

Măng cụt tương đối ít calo nhưng lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể:

  • Chất xơ
  • Chất béo
  • Đạm
  • Vitamin C
  • Vitamin B9 (folate)
  • Vitamin B1 (thiamine)
  • Vitamin B2 (riboflavin)
  • Mangan
  • Đồng
  • Magiê

Các vitamin và khoáng chất trong măng cụt rất quan trọng để duy trì nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm sản xuất DNA, co cơ, chữa lành vết thương, miễn dịch và truyền tín hiệu thần kinh.

Trong vỏ măng cụt cũng có chứa một số vitamin và dưỡng chất tốt đối với sức khoẻ nhưng nổi bật hơn cả là các hợp chất như: tannin, chất nhựa, chất mangostin và xanthones.

Phần quả bên trong và vỏ của măng cụt đều có chứa những dưỡng chất tốt cho sức khoẻ.
Phần quả bên trong và vỏ của măng cụt đều có chứa những dưỡng chất tốt cho sức khoẻ. (Ảnh: ST)

2. Lợi ích của vỏ măng cụt đối với sức khoẻ

Trước kia, trong dân gian vỏ măng cụt được dùng như vị thuốc để chữa đau bụng, viêm ngoài da và chữa vết thương cho động vật. Trong đông y, vỏ măng cụt có vị chua chát, tính bình, đi vào hai kinh phế, có công năng chi huyết, dùng để trị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và báo cáo rằng, trong vỏ măng cụt có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học với các ứng dụng tiềm năng đối với sức khoẻ.

2.1. Khả năng chống oxy hoá

Trong số các loại vỏ trái cây, vỏ măng cụt là một nguồn quan trọng của chất chống oxy hóa phenolic tự nhiên. Vỏ măng cụt chứa nhiều hoạt chất sinh học khác nhau, chẳng hạn như axit phenolic và flavonoid, có đặc tính sinh học và dược liệu, đặc biệt là đặc tính chống oxy hóa.

Đặc biệt, PGS.TS Suthasinee tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan đã thực hiện nghiên cứu về vỏ măng cụt và phát hiện ra Xanthones - đây là một chất trong nhóm Flavonoid có tác dụng chống lại hoặc ngăn chặn các loại viêm nhiễm với các đặc tính như chống ung thư, chống vi khuẩn, chống dị ứng, chống viêm, chống vi khuẩn, chống sốt rét và chống oxy hóa.

Có 40 xanthones có trong vỏ quả măng cụt, xanthones nhiều nhất được tìm thấy là alpha-mangostin, beta-mangostin và gamma-mangostin.

Ngoài ra, chất phytochemical được tìm thấy trong vỏ măng cụt bao gồm garcinone, mangostin, isomangostin và garcimangosone, đã được báo cáo là có hoạt tính chống oxy hóa, chống tăng sinh, chống viêm và chống ung thư.

Lợi ích nổi bật nhất của vỏ măng cụt là có khả năng chống oxy hoá, ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
Lợi ích nổi bật nhất của vỏ măng cụt là có khả năng chống oxy hoá, ngăn ngừa nhiều bệnh tật. (Ảnh: ST).

2.2. Cải thiện một số tình trạng về da

Trong vỏ măng cụt có chứa một số vitamin và dưỡng chất có tác dụng ngăn ngừa lão hoá, làm mờ nếp nhăn, nuôi dưỡng các tế bào, làm đầy mô cơ và đặc biệt tăng độ đàn hồi cho da.

Hon nữa, vỏ măng cụt cũng được sử dụng làm mặt nạ để dưỡng da hoặc hỗ trợ điều trị nám, tàn nhang, mụn nhọt.

2.3. Tốt cho răng miệng

Chất Xanthones trong vỏ măng cụt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Vì vậy, nếu dùng vỏ măng cụt làm nước súc miệng có thể giảm tình trạng hôi miệng, ngăn ngừa vi khuẩn gây hại cho nướu và răng, đặc biệt có thể hỗ trợ làm trắng răng.

3. Cách sử dụng vỏ măng cụt

Mọi người có thể sử dụng trà vỏ măng cụt để nhận được những lợi ích sức khoẻ. Cách làm rất đơn giản:

  • Đầu tiên, bạn rửa sạch vỏ măng cụt rồi cắt thành từng miếng nhỏ và đem phơi nắng hoặc sấy cho thật khô. Khi phơi nên lưu ý bảo quản kỹ, tránh để cho vỏ măng cụt bị ẩm mốc, khi uống có thể gây ngộ độc.
  • Tiếp theo, bạn có thể pha với nước ấm, tương tự như pha trà bình thường. Có thể thêm một chút đường phèn hoặc mật ong để dễ uống hơn.

Nếu như không đủ thời gian để sấy hoặc phơi khô, mọi người có thể đun sôi vỏ măng cụt tươi và làm nước uống.

Vỏ măng cụt có thể gây ra một số tác dụng phụ. 
Vỏ măng cụt có thể gây ra một số tác dụng phụ.

4. Một số lưu ý khi sử dụng vỏ măng cụt

Vỏ măng cụt có những lợi ích sức khoẻ nhất định nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó, khi sử dụng loại vỏ trái cây này, mọi người nên lưu ý:

  • Vì trong vỏ măng cụt có chứa tanin, nhựa và chất đắng mangostin nên có thể tạo phức với protein để cho ra chất kết tủa. Điều này dẫn đến việc khó hấp thu dưỡng chất từ một số đồ ăn khác và gây ức chế một số men tiêu hóa làm ăn uống khó tiêu. Do đó, mọi người không nên ăn hoặc uống quá nhiều các sản phẩm được làm từ vỏ măng cụt.
  • Ưu tiên dùng vỏ măng cụt khô hơn là vỏ còn tươi để tránh một số tình trạng ngộ độc hoặc táo bón.
  • Nếu bạn bị dị ứng hoặc có bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vỏ măng cụt.
  • Hợp chất xanthone trong măng cụt có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Vì vậy, bạn không nên dùng vỏ măng cụt trước phẫu thuật khoảng 2 tuần hoặc tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.

Tác dụng của măng cụt

Giải mã nguồn gốc của măng cụt - loại quả đang gây sốt mạng xã hội bởi món gỏi độc lạ

15 loại trái cây được bình chọn ngon nhất thế giới

Cập nhật: 18/05/2023 PNVN
  • 239