Không được chủ quan với những cơn bão cuối mùa

  •  
  • 1.138

Theo quy luật hoạt động bão trên biển Đông thì các cơn bão trong tháng 11, tháng 12 thường có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ và Nam Bộ. Số liệu thống kê từ năm 1956 đến năm 1995 cho thấy, mật độ bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ hàng năm vào loại thấp nhất so với nhiều vùng khác trong nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mật độ bão và ATNĐ đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ lại đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính từ năm 1997 đến năm 2006, đã có 2 cơn bão và 3 ATNĐ đổ bộ vào bờ biển Nam bộ; đó là chưa kể đến cơn bão MuiFa tuy không trực tiếp đổ bộ nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến bán đảo Cà Mau.

Hơn nửa thế kỷ qua, có nhiều cơn bão đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ. Trong đó gây thiệt hại nặng nề nhất là cơn bão Linda (bão số 5) đổ bộ vào Cà Mau tháng 11 - 1997. Bão Linda đã gây tổn thất to lớn về nguời và của cho các tỉnh Nam bộ, mà hậu quả phải sau nhiều năm mới khắc phục được.

Mùa bão năm 2006 trên biển Đông có 10 cơn bão hoạt động, trong đó có 2 cơn bão đổ bộ vào miền Trung, 1 cơn bão đổ bộ vào Nam bộ - bão Durian (bão số 9). Bão Durian lúc mới hình thành ơ ngoài khơi Thái Bình Dương có sức gió đạt cấp 15; khi vào đến biển Đông, sức gió giảm xuống còn cấp 12-13. Ban đầu, bão di chuyển theo hướng tây, sau do tác động của không khí lạnh tăng cường, bão chuyển hướng Tây Nam đi dọc theo bờ biển Nam bộ và đổ bộ vào các tỉnh Bến Tre - Tiền Giang vào rạng sáng 5-12 năm 2006. Sau đó suy yếu thành ATNĐ, đi qua các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Nam rồi tan dần trên vịnh Thái Lan. Sau khi vào đến đất liền, cường độ bão giảm xuống còn gió cấp 7 - 8; đồng thời bán kính bão cũng bị thu hẹp lại nên mức độ tàn phá của bão cũng giảm theo.


Bão đe doạ đê biển huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (Ảnh: VTV)

Bão là một hiện tượng thiên tai nguy hiểm có tính tàn phá và hủy diệt ghê gớm. Bão thường kèm theo giông tố, lốc, vòi rồng. Phạm vi tàn phá của những hiện tượng này tuy không rộng nhưng rất khốc liệt bởi gió giật và xoáy.

Các tỉnh Nam bộ ít khi chịu ảnh hưởng của bão nên đa số người dân ở đây vẫn mang nặng tâm lý chủ quan cho rằng từ tháng 11-12 trở đi sẽ chẳng còn bão nữa. Thực tế 10 năm trở lại đây cho thấy trong tháng 11 và thậm chí cuối tháng 12 bão vẫn có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ và gây thiệt hại nặng nề. Chẳng hạn như bão Linda ngày 4-11-1997; bão Durian ngày 5-12-2006, xa hơn nữa là cơn bão Kit đổ bộ vào bán đảo Cà Mau ngày 24-12-1974.

Với trình độ khoa học và cơ sở kỹ thuật hiện đại, ngày nay, chúng ta có thể dự báo và phát hiện được bão từ rất sớm. Song, ở Việt Nam, cơ quan chức năng chỉ có thể dự báo những cơn bão khi nó đã đi vào biển Đông vì đây là những cơn bão có khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta. Khi đó các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ phát tin dự báo phạm vi ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm mà bão có thể gây ra để người dân chủ động trong công tác phòng chống.

Dù vậy, đối với các tỉnh Nam bộ, việc nâng cao ý thức đề phòng thường xuyên cũng như đưa ra được những qui trình theo dõi, quản lý ứng cứu mang tính pháp quy đối với mọi người dân, mọi ngành trong việc chủ động phòng tránh bão là rất cần thiết và cũng chính là biện pháp phòng tránh bão tốt nhất.

TT
Tên bão và ATNĐ
Ngày đổ bộ
Nơi đổ bộ
1
Linda
04/11/1997
Cà Mau
2
ATNĐ
24/10/1999
Trà Vinh – Cà Mau
3
Rumbia
08/12/2000
Suy yếu gần mũi Cà Mau
4
ATNĐ
20/11/2001
Suy yếu gần mũi Cà Mau
5
Muifa
24/11/2004
Mũi Cà Mau
6
ATNĐ
21/12/2005
Mũi Cà Mau
7
Durian
05/12/2006
Bến Tre – Tiền Giang

NGUYỄN THÍNH ĐỆ (TT Dự báo Khí tượng thủy văn Cần Thơ)

Theo Báo Cần Thơ
  • 1.138