Chặng đường chinh phục ngôi vị chúa tể trong thế giới động vật của khủng long lâu dài hơn người ta tưởng. Chúng không đột ngột xuất hiện sau khi tổ tiên chết, mà song song tồn tại và chuyển giao dần.
Các hoá thạch mới tìm thấy có tuổi khoảng 215 triệu năm đã chứng tỏ một vài con khủng long cổ xưa nhất tồn tại bên cạnh những động vật có họ - vốn được xem là tổ tiên và tiền thân của chúng.
Nhiều nhà khoa học trước kia vẫn tin rằng những loài bò sát này - rất giống khủng long, nhưng nguyên thuỷ hơn - đã tuyệt diệt quanh khoảng thời gian xuất hiện những con khủng long đầu tiên, khoảng 230 triệu năm trước. Họ giả thuyết rằng những con khủng long đầu tiên đã nhanh chóng đánh bại và đẩy họ hàng nguyên thuỷ của chúng đến chỗ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, phát hiện mới tại bang New Mexico, Mỹ chứng tỏ cuộc cạnh tranh đó diễn ra rất lâu dài. Tại đây, người ta đã tìm thấy những loài mới là tiền thân của khủng long, trong đó có một con dài 1,5 mét gọi là Dromomeron và một con khác chưa có tên, lớn gấp 3 lần như vậy. Sống bên cạnh chúng là những con khủng long hai chân ăn thịt tương đối nhỏ bé.
Hình ảnh minh họa khủng long (hai con phía trên) và tiền thân của chúng (hai con phía dưới) cùng tồn tại. (Ảnh: LiveScience) |
"Khi khủng long tiến hoá lần đầu tiên, chúng không phổ biến và cũng rất nhỏ bé", Randall Irmis từ Đại học Berkeley, California, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
"Vì thế chúng không phải là những kẻ ăn thịt thống trị đất liền trong hầu hết kỷ Triat. Điều đó chỉ thực sự xảy ra ở kỷ Jura khi chúng bùng nổ số loài và đạt tới kích cỡ khổng lồ mà ngày nay chúng ta biết", Irmis bổ sung.
Bộ xương được dựng lại của khủng long precursors và 1 số loài khủng long từ Hayden Quarry (Ảnh: LiveScience)
T. An