Khứu giác giúp chim định hướng khi bay trên biển

  •  
  • 284

Theo Scientific Reports, một công trình nghiên cứu do một nhóm nhà động vật học từ các trường đại học Oxford (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) và Pisa (Italia) thực hiện cho thấy khứu giác đóng vai trò quan trọng cho phép chim định hướng trong các chuyến bay trên những vùng nước rộng mênh mông.

Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng nếu chim bị tước đi khứu giác, chim không còn khả năng tìm ra đường về tổ trong khi bị rối loạn cảm nhận từ trường không phải lúc nào cũng dẫn đến hậu quả như vậy. Tuy nhiên, vẫn có những người hoài nghi coi những bằng chứng đó là chưa đủ.

Chim hải âu Địa Trung Hải.
Chim hải âu Địa Trung Hải.

Theo ý kiến ​​của họ, mất khứu giác không thể làm gián đoạn khả năng định hướng khi bay của chim, nhưng mất khứu giác ảnh hưởng đến chim theo một cách khác, ví dụ, làm chim không còn muốn bay trở lại hoặc làm giảm khả năng tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, các nghiên cứu đã được tiến hành đối với những con chim đã được các nhà khoa học di chuyển đến một địa điểm mới.

Còn trong công trình nghiên cứu mới, tập thể các nhà khoa học quốc tế đã theo dõi đường bay của 29 con chim hải âu Địa Trung Hải (Calonectris diomedea) bằng cách sử dụng các máy định vị GPS nhỏ xíu gắn trên cơ thể chim. Các nhà khoa học đã theo dõi các chuyến bay tự nhiên của các con chim từ các tổ của chúng trong các vách đá ven biển tới các vị trí đặt mồi trên biển. 1/3 số chim tạm thời bị làm mất khả năng ngửi bằng cách phun sulfat kẽm, 1/3 số chim được đeo các thanh nam châm nhỏ, còn 1/3 số chim đóng vai trò nhóm đối chứng.

Tất cả các con chim thường xuyên bay ra biển để tìm cá và quay lại tổ để đổi chỗ cho con chim canh tổ. Việc mất khứu giác rõ ràng đã không làm chim mất đi động lực quay trở lại tổ hoặc mất khả năng săn mồi. Nhưng định hướng trong chuyến bay của những con chim mất khứu giác có sự khác biệt đáng kể so với những con chim khác. Thay vì bay về tổ, chúng đã bay theo đường thẳng, định hướng kém. Chỉ khi chúng có thể nhìn thấy đất liền, chúng mới điều chỉnh đường bay và di chuyển theo con đường ngắn để về đến tổ.

Các nhà khoa học tin rằng chính khứu giác giúp chim hải âu tìm đường khi bờ biển vượt ra khỏi tầm nhìn. Và khi nhìn thấy bờ biển, chim có thể sử dụng các mốc định hướng địa hình quen thuộc.

Cập nhật: 07/09/2017 Theo motthegioi
  • 284