Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đỗ quyên mùa Tết

  •   2,753
  • 174.898

Hoa đỗ quyên là loại hoa cảnh được nhiều người yêu thích và lựa chọn của các gia đình trong mỗi dịp tết đến xuân về. Để có được một chậu đỗ quyên đẹp, người trồng cần nắm được những kỹ thuật trồng cây và chăm sóc để giúp chậu hoa tỏa sắc lung linh.

Hoa đỗ quyên là loài hoa bản địa của Việt Nam, dùng để chơi hoa, làm cảnh, có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây thuộc dạng thân gỗ và thân gỗ bụi, sinh trưởng phát triển khỏe, là một trong những loài cây có hoa rực rỡ, rất đa dạng về chủng loại và màu sắc, chủ yếu dùng để chơi hoa, làm cảnh và một số loài có tác dụng chữa bệnh.

Hoa đỗ quyên được trồng nhiều ở miền Bắc, trên những núi đá cao rực rỡ sắc đỏ thắm của những rặng đỗ quyên rừng. Giờ đây nhu cầu chơi đỗ quyên tăng cao nên đỗ quyên được trồng nhiều hơn, cắt tỉa, uốn cây theo sở thích của người chơi hoa. Trồng được đỗ quyên đã khó, công đoạn chăm sóc đỗ quyên lại tốn nhiều công hơn. Nhưng khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ, quyến rũ của chậu đỗ quyên chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.

Hoa đỗ quyên hay còn gọi là sơn trà hoa hay mãn sơn hồng là một trong những loại hoa cảnh được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới bởi vẻ đẹp dịu dàng của nó.

Hạnh phúc tràn đầy cũng chính là thông điệp mà đỗ quyên gửi đến cho các đôi tình nhân, những cặp vợ chồng. Hoa đỗ quyên là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Ở Trung Quốc, đỗ quyên là biểu tượng cho sự ôn hòa, dịu dàng và nữ tính.

Ngày Tết người ta cũng hay để một vài chậu đỗ quyên trong nhà với ý nghĩa sung túc. Chỉ cần chú ý một chút tới kỹ thuật trồng cây và chăm sóc, những chậu hoa đỗ quyên sẽ nở không chỉ đẹp trong Tết mà còn cả sau Tết.

Kỹ thuật trồng cây và chăm sóc đúng đắn sẽ cho ra những chậu hoa đỗ quyên đẹp
Kỹ thuật trồng cây và chăm sóc đúng đắn sẽ cho ra những chậu hoa đỗ quyên đẹp.

Các bước trồng hoa đỗ quyên

Chọn giống

Trên thị trường hiện nay sử dụng rộng rãi giống hoa đỗ quyên Bỉ. Đây là giống đỗ quyên cây nhỏ, sai hoa, hoa to, đa dạng có cây còn cho cả hai màu. Phương pháp trồng có thể là gieo hạt, giâm cành hoặc chiết. Phương pháp giâm và chiết có thể cho thành phẩm nhanh hơn phương pháp gieo hạt.

Đất trồng

Đất trồng đối với giống cây đỗ quyên Bỉ là đất chua, nếu trồng trong đất kiềm có thể làm chết cây. Đất trồng hoa đỗ quyên phải đảm bảo đủ các yếu tố sau: Đất tơi xốp, thoát nước, thông thoáng gió, nhiều mùn, đủ phân bón. Độ pH khoảng từ 4 – 5 là phù hợp nhất. Để tọa ra loại đất tốt nhất cho cây đỗ quyên thì nên trộn đất với mùn của các loại lá cây họ thông, tùng mục.

Một chút lưu ý trong kỹ thuật trồng cây hoa đỗ quyên đó là yếu tố đất
Một chút lưu ý trong kỹ thuật trồng cây hoa đỗ quyên đó là yếu tố đất.

Chọn chậu

Chọn chậu cân đối với cây, chậu to đất nhiều, nước sẽ nhiều. Chậu có lỗ ở đáy to, miệng rộng để bốc hơi và thoát nước nhanh.Căn cứ vào dạng thân và tán để quyết định chậu trồng. Đỗ quyên là loài mọc cạn vì vậy nên chọn chậu nông tốt hơn là chậu cao. Khi trồng vào chậu, nên dùng chậu có lỗ ở đáy, dùng lưới nilon lót dưới đáy chậu sau đó dùng mấy viên gạch vụn và sỏi xếp lên trên, dày khoảng 2-3cm.

Đổ đất vào khoảng 1/2- 2/3 chậu, chú ý để bộ rễ tự do rồi bỏ thêm đất vào và lấy tay nén nhẹ.Thay chậu khi thấy rễ cây ăn ra đáy chậu, thì thay chậu to hơn, kết hợp là thay đất đã chuẩn bị như đất trồng.

Kỹ thuật trồng cây cũng yêu cầu chọn được loại chậu phù hợp
Kỹ thuật trồng cây cũng yêu cầu chọn được loại chậu phù hợp.

Kỹ thuật tưới nước cho cây hoa đỗ quyên

Cây đỗ quyên có bộ rễ rất mạnh nên nó rất sợ hạn và không chịu ngập úng lâu. Nếu hạn hoặc úng quá đều khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, lá vàng, hoa rủ. Chính vì vậy, cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp. Thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Vào thời kỳ cây sinh trưởng, ra nụ, hoa cần tưới nước nhiều hơn. Trong những ngày trời hanh khô cần phun nước nhiều xung quanh lá, hoa, chậu và mặt đất để tăng độ ẩm không khí.

Nguyên tắc tưới, sau khi trồng và chăm sóc cho cây lên chồi, búp mới thì đất mặt chậu không khô không tưới, tưới chỉ đủ ẩm. Cứ 10 – 15 ngày lại tưới một lần giấm ăn pha loãng 10%, nếu không thì dùng nước gạo vo, nước đậu chua pha loãng mà tưới. 5 – 10 ngày tưới nước giải ngấu pha loãng một lần. Kết hợp mỗi tháng một lần tưới sunfat sắt pha loãng 0,5 – 1%, cây sẽ không bị bệnh vàng lá. Không có sunfat sắt thì dùng sắt gỉ ngâm nước pha loãng tưới cũng được.

Cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp

Kỹ thuật bón phân cho hoa đỗ quyên

Đỗ quyên không phải loại cây phàm ăn, chính vì vậy cần chú ý khi bón phân. Nếu bón nhiều phân quá, bón phân quá đặc thì còn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Để có hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp, cách bón phân hợp lý mà theo kinh nghiệm của các nhà vườn là: Phân khô bón ít, phân nước pha loãng.

Thông thường chỉ bón phân với các cây từ 2 năm tuổi trở lên. Đối với cây 2-3 năm tuổi thì chỉ bón từ cuối xuân đầu hè, cứ 10-15 ngày bón một lần phân loãng. Đối với cây từ 4 năm trở lên, mỗi năm bón 2 lần phân khô vào mùa xuân và mùa thu, giữa tháng 6 thì bón một lần phân P, K. Sau tháng 6 thì ngừng bón phân, đến khi tàn, cây mọc cành mới có thể bón nước phân loãng.

Để có hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp

Một số chú ý khi bón phân:

  • Không nên bón nhiều phân vào mùa hè để tránh vàng lá, rụng lá.
  • Nếu mùa hè, cây sinh trưởng bình thường và đang bước vào giai đoạn sinh trưởng thực thì có thể bón 1-2 lần Ca3(PO4)2 + Ca(HPO3) để thúc đẩy ra nụ hoa.
  • Sau mỗi lần bón phần cần tăng cường tưới nước và xới xáo.
  • Sau mùa đông không cần bón phân.

Cách chăm sóc hoa đỗ quyên

  • Tỉa cành: Cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành yếu, khô, hay các cành mọc dày kết hợp với việc cắt tỉa tạo tán để cây sinh trưởng, phát triển theo ý muốn. Thời gian cắt tỉa tạo hình có thể chia ra làm 2 giai đoạn: mùa sinh trưởng và kỳ ngủ nghỉ. Mùa sinh trưởng: ngắt ngọn, uốn cành, chỉnh dày thưa,...
  • Kỳ ngủ nghỉ: chủ yếu là cắt cành sâu bệnh và cành yếu. Nên cắt những cành già và ngắn để mọc ra cành mới.
  • Nuôi cây thời kỳ đặt trong nhà: Khi trưng bày trong phòng phải chú ý để nơi có ánh sáng, thoáng gió. Hằng ngày phải chuyển chậu hoa ra ngoài, để qua đêm. Trong kỳ ra hoa phải chú ý không được tưới vào hoa. Thời gian trưng bày trong phòng không được để quá lâu, trong vòng khoảng 1 tháng phải thay đổi đưa chậu ra vườn để chăm sóc.

Cách chăm sóc hoa đỗ quyên để ta hoa đúng tết

  • Điều chỉnh thời kỳ ra hoa: Điều kiện ra hoa ( ánh sáng và nhiệt độ): Ban ngày > 27oC, ban đêm > 18oC thì mới ra hoa nhiều. Nụ hoa cũng yêu cầu chiếu sáng từ 5-16h/ngày.
  • Sự phân hoá chồi hoa và hoa nở: Chịu ảnh hưởng của đặc tính từng loài.
  • Phương pháp xử lý để hoa nở sớm: Tăng cường chăm sóc, cho các cành mới mọc nhanh. Đến khi cây hoàn thành việc phân hoá chồi hoa thì bắt đầu ít tưới nước lại, chiếu sáng nhẹ, hạ thấp nhiệt độ, bảo đảm đất trồng ẩm vừa phải...

Đỗ quyên là một giống hoa đẹp, thích hợp để trồng làm cảnh tạo không gian nổi bật và thẩm mỹ cho ngôi nhà. Nếu biết cách trồng và chăm sóc, cây đỗ quyên có thể sống được rất lâu.

Ý nghĩa của hoa đỗ quyên

Nhắc đến ý nghĩa hoa đỗ quyên, chúng ta không thể không nhắc đến sự tích của loài hoa này. Truyện xưa kể rằng, rất lâu trước đây, có 2 vợ chồng sống hạnh phúc cùng nhau tại một ngôi làng nhỏ. Ban ngày, người chồng thường hay vào rừng sâu săn bắn, đốn củi, nhưng rồi một hôm, người chồng đi rồi mãi không thấy trở về.

Người vợ cứ đợi chồng mòn mỏi suốt 1 tháng, 2 tháng rồi 3 tháng mà tin chồng chẳng thấy bất kỳ tin tức nào. Đến một ngày nọ, nàng quyết tâm khăn gói đi vào rừng sâu để tìm chồng. Nhưng định mệnh dường như muốn trêu đùa họ, buổi sáng người vợ vừa cất bước ra đi thì buổi chiều người chồng trở về nên họ chẳng thể gặp mặt nhau. Người vợ nghe hàng xóm kể lại chuyện bèn quay trở lại rừng sâu đi tìm vợ mình.

Lại nói đến người vợ, nàng đi vào rừng tìm chồng ngày qua ngày nhưng chẳng tìm thấy, đến một ngày nọ, nàng kiệt sức và gục xuống chết bên một tảng đá. Nơi đó sau này mọc lên một cây hoa rất đẹp, mỗi khi xuân về đều tỏa hương thơm ngát. Hồn người vợ sau khi mất gặp được Tiên Ông liền kể lại đầu đuôi sự tình, Tiên Ông nghe xong liền đặt tên cho loài hoa này là hoa Đỗ.

Về phần người chồng, suốt dọc đường đi, chàng gọi tên vợ không ngừng nhưng sau bao ngày không thấy tin tức gì, chàng cũng gục xuống vì kiệt sức ngay dưới tảng đá đó. Hồn người chồng hóa thành một loài chim đơn độc, thường hót vào mỗi buổi chiều khi hoàng hôn về. Tiên Ông cảm động tiếc thương cho tình yêu của 2 vợ chồng này mà đặt tên cho loài chim kia là chim Quyên (đọc lái đi là chim Quên). Sau này, dân gian vì mong muốn 2 vợ chồng đoàn tụ với nhau trong hạnh phúc nên gọi loài hoa kia là hoa đỗ quyên.

Ý nghĩa của hoa đỗ quyên chính là tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng chung thủy, son sắt. Tại Trung Quốc, hoa đỗ quyên còn được coi là biểu tượng cho sự ôn hòa, dịu dàng và nữ tính. Ngoài hai ý nghĩa này, cây hoa đỗ quyên cũng còn có rất nhiều ý nghĩa khác.

Trong phong thủy, hoa đỗ quyên còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự ấm áp, sum vầy, xua đuổi tà khí, mang lại may mắn cho gia chủ. Nên vào dịp Tết Nguyên Đán, năm mới, các gia đình rất thích trồng loài hoa này như một cách xua đuổi những cái không may và cầu cho những điều may mắn đến với mọi người trong nhà.

Phân loại hoa đỗ quyên

Ngày nay trên khắp thế giới, có hơn 100 giống loài đỗ quyên vối rất nhiều màu sắc khác nhau được người ta chọn trồng để trang trí cảnh quan. Mà mỗi màu sắc đỗ quyên lại mang 1 vẻ đẹp, ý nghĩa tượng trưng riêng.

Những bông hoa đỗ quyên có hình ống, hình phễu, hoặc hình chuông và thường có mùi thơm quyến rũ. Mùi thơm của cây hoa đỗ quyên được mô tả là một mùi hương thanh lịch và sang trọng. Chính vì vậy, hoa đỗ quyên thường được trưng bày vào những dịp đặc biệt như đám cưới, ngày lễ, tết… và là một nốt hương quan trọng trong công nghiệp điều chế nước hoa xa xỉ.

Cây hoa đỗ quyên là một dạng cây bụi. Lá của cây hoa đỗ quyên nhỏ hơn hoa, có hình dạng nhọn và dài. Lá và hoa đan xen lẫn nhau, tạo thành những đám mây màu sắc xinh đẹp.

Ví dụ như hoa đỗ quyên blue diamond màu xanh tím phổ biến ở Bắc Mỹ và Florida hay đỗ quyên “cecile” màu đỏ rực phổ biến ở Việt Nam.

Có những cây hoa đỗ quyên mọc trên mặt đất thấp, cây mọc từ 10-20 cm, lại có những cây cao tới 2m. Chúng có nhiều màu hoa, bao gồm hồng, đỏ, trắng, vàng và tím. Mặc dù hầu hết các loài cây đỗ quyên ra hoa vào mùa xuân, nhưng cũng có những giống nở vào mùa hè làm tăng thêm màu sắc và sự quyến rũ cho khu vườn.

Những màu sắc khác nhau của hoa đỗ quyên cũng mang trong mình 1 ý nghĩa đặc trưng riêng.

  • Đỗ quyên vàng: Tượng trưng cho gia đình và tình bạn.
  • Đỗ quyên tím và hồng: Tượng trưng cho sự vui vẻ, thoải mái, không âu lo, căng thẳng.
  • Đỗ quyên trắng: Thể hiện sự lịch sự, thanh khiết và biết kiềm chế.
  • Đỗ quyên đỏ: Đại diện cho tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng lãng mạn và nồng cháy.

Bên cạnh đó, hoa đỗ quyên còn mang những ý nghĩa khác như ra đi là để trở về, giữ gìn sức khỏe, chăm sóc tốt cho mọi người xung quanh, vẻ đẹp nữ tính và thông minh, sự thanh lịch và giàu có, sự mong manh hay đam mê đang phát triển,...

Có thể bạn không biết: Trên thế giới có Hiệp hội Đỗ quyên Hoa Kỳ. Đây là nơi điều hành một hệ thống cơ sở dữ liệu với thông tin về hơn 2.000 loài cây đỗ quyên. Trên cơ sở hàng năm, hiệp hội này bình chọn một số loài cây hoa đỗ quyên để trao tặng danh hiệu Đỗ quyên của năm. Những cây hoa đỗ quyên này là những loài được đánh giá, là mang lại giá trị tốt nhất và dễ chăm sóc trong nhiều môi trường khác nhau.

Công dụng của hoa đỗ quyên

Ngoài để trang trí, làm đẹp nhà cửa và thu hút may mắn, hoa đỗ quyên còn có những công dụng bất ngờ đối với sức khỏe. Trong y học, người ta có thể dùng đỗ quyên với những lý do như sau:

Hoa đỗ quyên có thể làm vị thuốc điều hòa kinh nguyệt, trị phong thấp. Tuy nhiên cần phải dùng theo đúng chỉ thị của bác sĩ.

Rễ cây đỗ quyên có tác dụng ngăn ngừa phong thấp, hoạt huyết và cầm máu.

Lá cây đỗ quyên chống ngứa, thanh nhiệt, giải độc, mụn nhọt sưng lỏ, ngoại thương xuất huyết, mề đay,...

Cập nhật: 17/01/2024 Tổng Hợp
  • 2,753
  • 174.898