Lại phát hiện mộ cổ tại Ciputra

  •  
  • 1.862

Mới đây, các công nhân thi công làm đường tại công trường khu đô thị Ciputra (Hà Nội) lại tiếp tục làm phát lộ một ngôi mộ cổ độc đáo. Mộ nằm khá gần với chiếc giếng cổ và 2 ngôi mộ Lục triều đã từng phát lộ hồi tháng 4.

>>> Phát hiện hai ngôi mộ nghìn tuổi ở khu đô thị Ciputra
>>>
Giếng cổ ở khu đô thị Ciputra sâu trên 6 mét

Thêm căn cứ về một “quần thể dân cư”

Trở lại sự việc phát hiện ra 2 ngôi mộ cổ tại khu đô thị Ciputra vào tháng 4/2011, ban đầu các nhà khoa học phán đoán dưới lòng đất của khu vực này là một nghĩa địa cổ, bởi nhiều năm trước tại đây đã từng phát hiện được những ngôi mộ cổ khác. Tuy nhiên, khi chiếc giếng cổ được phát lộ thì PGS. TS Nguyễn Lân Cường (người trực tiếp khai quật) cho rằng, nơi này có thể từng tồn tại một quần thể dân cư sinh sống; bởi chiếc giếng là minh chứng cho việc sinh hoạt của người dân.

Cuối tháng 8 vừa qua, các công nhân xây dựng lại phát hiện ra một ngôi mộ cổ khác nằm ngay gần cổng chính của khu đô thị. Ngôi mộ này tiếp tục được PGS.TS Nguyễn Lân Cường khai quật. Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, khi ông đến thì ngôi mộ đã gần như bị máy xúc cào hết, chỉ còn phần đáy mộ. Chiều dài mộ 4,3m, chiều ngang 0,94m. Chiều cao đã bị phá mất phần trên nên chỉ đo được phần còn lại 0,7m. Gạch xây mộ dài 28cm, rộng 16cm và dày 4,5cm. Dìa cạnh viên gạch hoàn toàn không có hoa văn “trám lồng” hay “xương cá” như ở 2 ngôi mộ khai quật hồi tháng 4/2011. Dưới đáy mộ không lát gạch như 2 ngôi mộ trước, nhưng nhận rõ độ khum ở vách phía Tây của mộ. Ở giữa các viên gạch dường như có một chất kết dính. Đây là điểm khác biệt so với 2 ngôi mộ trước đây là gạch được xếp vào nhau.

 PGS.TS. Nguyễn Lân Cường - người phụ trách cuộc khai quật khẩn cấpngôi mộ cổ cuối tháng 8 vừa qua. (Ảnh: L.C)
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường - người phụ trách cuộc khai
quật khẩn cấpngôi mộ cổ cuối tháng 8 vừa qua. (Ảnh: L.C)

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, đất trong mộ khá cứng và hoàn toàn không có bùn. Hiện vật tìm thấy hầu hết nằm ở đầu và cuối mộ gồm có đồ gốm và đinh quan tài bằng sắt. “Dựa vào cấu trúc của mộ và hiện vật thu được, chúng tôi cho rằng ngôi mộ này cũng thuộc thời Lục triều (khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI)”, PGS Nguyễn Lân Cường cho biết.

PGS Nguyễn Lân Cường cũng cho biết thêm, cả 3 ngôi mộ cổ và chiếc giếng cổ phát hiện tại khu đô thị Ciputra đều nằm ở độ sâu khoảng 2m so với mặt đất. Ông khẳng định, những ngôi mộ này đều là của tầng lớp quan lại hoặc thương gia, bởi chúng được làm khá kiên cố, có kèm đồ tùy táng.

Nhiều đồn đoán không đúng về mộ cổ

Hiện số lượng mộ Lục triều tìm thấy tại Việt Nam rất ít. Các hiện vật tìm thấy tại mộ cũng khá hiếm hoi, bởi đa phần các ngôi mộ khi được giới chuyên môn phát hiện đã rơi vào tình trạng bị đào bới, đập phá, mất hết hiện vật. Lý do của việc mộ cổ thường bị đập phá chính là những đồn đoán về giá trị các hiện vật trong mộ. Nhiều người cho rằng, những hiện vật lâu đời đồng nghĩa với trị giá lớn về kinh tế. Tuy nhiên, qua tham khảo nhiều nhà sưu tầm cổ vật, chúng tôi được biết, những hiện vật trong các ngôi mộ Hán thường rất rẻ tiền, bởi yếu tố mỹ thuật của đồ gốm sứ giai đoạn này chưa có độ tinh xảo. Có một số hiện vật cực kỳ đặc biệt được tìm thấy ở mộ Hán cũng chỉ có giá vài chục triệu đồng.

Cùng với sự phát lộ của những ngôi mộ cổ, dư luận vốn có nhiều đồn thổi về những hiện vật quý trong các ngôi mộ này. Có lời đồn cho rằng, trong những ngôi mộ Hán, người chết thường được chôn theo rất nhiều vàng bạc châu báu hay thậm chí được chôn theo cả những mỹ nhân canh giữ mộ. Những mỹ nhân này được cho ngậm sâm, ngồi trong mộ, sau đó ngôi mộ được lấp đất để cho một phần không khí lọt vào...

PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng, không có căn cứ nào khẳng định những đồn đoán trên là có thật tại những ngôi mộ Hán đã phát hiện tại Việt Nam, bởi không tìm thấy xương cốt, các hiện vật cũng không nói lên được điều đó. PGS Nguyễn Lân Cường cũng cho biết, trong những lần tham gia khai quật mộ cổ, chỉ duy nhất một lần ông phát hiện ra 1 chiếc khuyên tai bằng vàng trong một ngôi mộ cổ được khai quật tại Mạo Khê - Quảng Ninh.

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Lân Cường cho biết, ở những ngôi mộ đời Hán tìm thấy tại Trung Quốc có rất nhiều điều đặc biệt. Có ngôi mộ của nước này, khi khai quật đã phát hiện cả một cỗ xe ngựa với bộ xương ngựa trong tư thế chồm lên. Điều đó chứng tỏ chiếc mã xa và chú chiến mã kia đã bị chôn sống...

Ngày 22/8/2011, tổ máy xúc của Công ty xây dựng Kumho (Hàn Quốc) trong khi thi công gần cổng chính vào khu đô thị Ciputra (xã Đông Ngạc, Từ Liêm,Hà Nội) đã vô tình làm lộ vỡ ra 1 mộ gạch. Cán bộ của Công ty đã gọi điện báo cho các nhà khảo cổ học lên thị sát ngôi mộ cổ.

Sau khi xem xét hiện trường, các nhà khoa học đã đi đến kết luận đây là mộ cổ, nhiều khả năng là mộ Lục triều. Ngày 29/8/2011, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã cho phép Hội Khảo cổ học Việt Nam và Ban Quản lý di tích danh thắng phối hợp khai quật khẩn cấp ngôi mộ này.

Theo Xã luận
  • 1.862