Lần đầu tiên chiết xuất thành công DNA côn trùng được nhúng trong hổ phách

  •  
  • 193

Các nhà khoa học cho biết đã thu được các đoạn DNA từ bọ cánh cứng bị mắc kẹt trong nhựa cây được tìm thấy ở Madagascar.

Thực tế những con côn trùng bị mắc kẹt đã chết chỉ vài năm trước tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng, sau nhiều suy đoán, người ta có thể thu thập và nghiên cứu cấu tạo gene của các sinh vật được tìm thấy trong nhựa cây.

"Thay vì tìm kiếm DNA trong hổ phách 100 triệu năm tuổi hoặc hơn để kỳ vọng về sự sống lại của khủng long, chúng ta nên bắt đầu bằng cách phát hiện nó trong côn trùng bị mắc kẹt vài năm trước trong nhựa thông. Kết quả mới của chúng tôi cho thấy thực sự có thể nghiên cứu về mặt di truyền các sinh vật được nhúng trong nhựa thông, mặc dù chúng tôi chưa biết giới hạn thời gian", David Peris, tác giả nghiên cứu từ Viện cho Khoa học Địa chất và Khí tượng học tại Đại học Bonn, cho biết.

Côn trùng mắc kẹt trong hổ phách.
Côn trùng mắc kẹt trong hổ phách.

Được đăng tải trên tạp chí PLOS One, các nhà cổ sinh vật học và vi sinh vật học từ Đại học Bonn ở Đức cho biết đã lấy được hai mẫu nhựa cây từ cây Hymenaea verrucosa ở Madagascar có chứa một số loài bọ ambrosia bị mắc kẹt trong nhựa khi nó vẫn còn dính.

Hai mẫu thử có độ tuổi từ hai đến sáu năm. Sau khi lấy vật liệu từ bên trong nhựa rắn, họ đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để nhân lên vật liệu di truyền trong ống nghiệm, khẳng định hy vọng của họ rằng các đoạn DNA vẫn được bảo tồn trong các sinh vật nhúng trong nhựa cây.

Những nỗ lực trước đây để thu thập vật liệu di truyền từ động vật bên trong nhựa cây đã sử dụng chloroform hoặc cồn 70% như một phần của quá trình chiết xuất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong dự án này nhận ra rằng điều này đã phản ứng với nhựa và làm tổn hại đến DNA. Thay vào đó, nghiên cứu mới cho thấy các nhà nghiên cứu chọn một phương pháp được điều chỉnh một chút, sử dụng hơn 80% ethanol và đảm bảo các mẫu tránh được bất kỳ sự ô nhiễm nào từ môi trường hiện đại.

Các mẫu trong nghiên cứu này chỉ mới vài năm tuổi vì vậy vẫn chưa rõ liệu có thể áp dụng kỹ thuật này cho các mẫu cũ hơn hay không, chứ chưa nói đến các mẫu thời tiền sử.

Nghiên cứu cho thấy rằng nước dường như vẫn được nhúng trong các mẫu lâu hơn người ta nghĩ, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của DNA. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ xây dựng dự án này bằng cách tìm ra giới hạn trên về thời gian DNA có thể tồn tại trong nhựa cây bằng cách sử dụng các phương pháp "giải trình tự thế hệ tiếp theo" nhạy hơn.

“Việc điều tra giới hạn thời gian bảo tồn DNA và nhiều vấn đề liên quan khác là mục tiêu của các thí nghiệm trong tương lai”, Kathrin Janssen, một tác giả nghiên cứu từ Viện Vi sinh Y tế tại Bonn, thông tin.

Cập nhật: 08/10/2020 Theo Dân Trí
  • 193