Nhóm các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch hột đào có niên đại trên 2,5 triệu năm phía tây nam Trung Quốc, cho thấy loại trái cây này ra đời trước cả khi con người xuất hiện trong khu vực.
Dù tương đối phẳng, hột đào cổ đại trông khá giống loại cây thời nay, có hình trái xoan cùng những rãnh và nếp nhăn sâu. Tuy nhiên, về mặt kích thước, hột đào cổ đại nhỏ hơn hột đào ngày nay, với đường kính gần 5 cm.
"Bạn chỉ cần tưởng tượng về loại đào nhỏ nhất bán trên thị trường ngày nay, hình dạng của đào cổ đại trông sẽ tương tự. Phần thịt quả màu hồng tươi bao quanh nó có thể ăn được. Nó hẳn có vị rất ngon", Live Science dẫn lời Peter Wilf, giáo sư cổ thực vật học ở Đại học Pennsylvania(PSU), Mỹ.
Năm 2010, đồng nghiệp của Wilf là Tao Su, phó giáo sư đến từ Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thu thập 8 hóa thạch cây đào lộ ra trong quá trình xây dựng con đường mới gần trạm xe buýt ở Côn Minh, thủ phủ của tỉnh.
Hột đào 2,5 triệu năm tuổi tìm thấy ở Trung Quốc. (Ảnh: Tao Su).
Hóa thạch hột đào được tìm thấy trong lớp đá có niên đại cuối kỷ Pliocene, thời kỳ địa chất diễn ra trong khoảng thời gian cách đây 2,6 - 5,3 triệu năm. Những hột đào giống loại hột ngày nay đến mức Su và đồng nghiệp phải thực hiện một loạt thí nghiệm kiểm tra để xác nhận chúng không phải do công nhân xây dựng bỏ lại.
Thông qua quét các hóa thạch ở PSU, Wilf và Su phát hiện hạt giống bên trong hột được thay thế bằng kim loại sắt và thành hột có hiện tượng kết tinh - dấu vết của niên đại lâu đời. Nhóm nghiên cứu cũng tìm cách xác định niên đại hóa thạch hột đào bằng cách xem xét lượng đồng vị cacbon 14 chứa bên trong. Đây là cách phổ biến để đo độ tuổi của vật chất hữu cơ. Kết quả cho thấy niên đại hóa thạch còn vượt ngoài giới hạn đo là 50.000 năm.
Đào được cho là loài cây bản xứ của Trung Quốc. Các nguồn lịch sử chứng thực loài cây được trồng ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Shi-Jing, tuyển tập thơ cổ nhất Trung Quốc bao gồm những tác phẩm từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 7 trước Công nguyên, từng nhắc đến cây đào. Chứng tích về việc ăn đào cũng tồn tại ở các khu vực khảo cổ ở tỉnh Chiết Giang, nơi tìm thấy hột đào 8.000 năm vào thập niên 1970.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports hôm 26/11, các nhà khoa học cho rằng cây đào tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên và trong quá trình trồng trọt của con người.
Cây đào có thể là một nguồn thức ăn hấp dẫn cho linh trưởng ăn trái cây, bao gồm tổ tiên loài người như Homo erectus và Homo sapiens đến Trung Quốc vào kỷ Pleistocene. Những loài ăn đào sớm nhất có thể giúp cây phát triển rộng bằng cách phát tán hạt giống qua phân.
"Cây đào là nhân chứng cho sự lớn mạnh của con người ở Trung Quốc. Nó có trước con người. Trải qua lịch sử, chúng ta thích ứng với loài cây và nó cũng thích ứng với chúng ta", Wilf cho biết.