Lần đầu tiên tìm thấy hạt vi nhựa trong mô tĩnh mạch người

  •  
  • 139

Các nhà nghiên cứu ở Anh lần đầu tiên phát hiện ra hạt vi nhựa tồn tại trong mô tĩnh mạch người, nâng cao thêm cảnh báo nguy hiểm của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người.

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở ĐH Hull (Anh) vừa công bố nghiên cứu cho thấy hạt vi nhựa lần đầu tiên được tìm thấy trong mô tĩnh mạch của con người. Năm loại vi nhựa khác nhau đã được phát hiện trong các mẫu lấy từ tĩnh mạch hiển (ở chân) của bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành, theo đài RT.

 Một mẫu nước được lấy từ Biển Địa Trung Hải để nghiên cứu hạt vi nhựa.
Một mẫu nước được lấy từ Biển Địa Trung Hải để nghiên cứu hạt vi nhựa. (Ảnh: REUTERS)

Trong thông cáo báo chí đi kèm với bài báo được đăng trên tạp chí PLoS One, giáo sư Jeanette Rotchell cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tìm thấy chúng. Chúng tôi đã biết các hạt vi nhựa có trong máu nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có thể xuyên qua các mạch máu để vào mô tĩnh mạch hay không. Và nghiên cứu này cho thấy chúng có thể làm được điều đó”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trung bình có 15 hạt nhựa trên mỗi gam mô tĩnh mạch. Mức độ này tương tự hoặc cao hơn mức tìm thấy trong mô phổi và ruột kết. Tuy nhiên, hình dạng và loại nhựa tìm thấy trong mô tĩnh mạch có sự khác biệt rõ rệt với các loại được tìm thấy ở các cơ quan khác.

Các loại nhựa được tìm thấy trong nghiên cứu bao gồm nhựa alkyd (được tìm thấy trong sơn và vecni tổng hợp), polyvinyl axetat (chất kết dính được sử dụng trong đóng gói và vận chuyển thực phẩm), nylon và EVOH-EVA (dùng để đóng gói thực phẩm).

GS Rotchell nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa biết tác động của điều này đối với sức khỏe con người”. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận hạt vi nhựa đã được chứng minh là gây ra “phản ứng viêm và căng thẳng” trong môi trường phòng thí nghiệm.

Trước đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các hạt vi nhựa có tồn tại trong máu và mô phổi. Theo một số ước tính, 15 tấn rác thải nhựa được thải vào các đại dương của Trái Đất mỗi phút. Các rác thải này phân hủy thành các hạt vi nhựa nhỏ hơn, xâm nhập vào cơ thể thông qua chuỗi thức ăn và qua không khí mà con người hít thở.

Cập nhật: 06/02/2023 PLO
  • 139