Chiều ngày 22/9/2010, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác kỹ thuật giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) và Viện Tiêu chuẩn Palestin (PSI).
Hoạt động tiêu chuẩn hoá, đo lường và đánh giá sự phù hợp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu và thuận lợi hoá thương mại. Mục tiêu của hoạt động này đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO khái quát hoá bằng khẩu hiệu: “Một tiêu chuẩn, một thử nghiệm, một chứng nhận và được thừa nhận ở khắp mọi nơi”.
Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật giữa TĐC và PSI là kết quả của quá trình làm việc, trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan hữu quan của cả hai bên.
Ông Ngô Quý Việt- Tổng cục trưởng TĐC nhấn mạnh: Thoả thuận này sẽ nâng cao trình độ và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, đo lường và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam và Palestine; thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại giữa hai nước, đơn giản hoá và tiết kiệm chi phí cho các hoạt động thử nghiệm, đo lường, công nhận và chứng nhận, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước phát triển quan hệ hợp tác.
Các hoạt động hợp tác bao gồm: hai bên phối hợp làm việc với nhau trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá ở cấp độ khu vực và quốc tế; nghiên cứu cơ cấu tổ chức, quy trình, thủ tục đánh giá sự phù hợp của nhau; trao đổi các thông tin, dữ liệu khoa học, sách, tạp chí, bài viết,… trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đo lường và đánh giá sự phù hợp; trao đổi tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản pháp luật liên quan về các lĩnh vực cụ thể để tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại giữa 2 nước; trao đổi thông tin về các chuẩn đo lường quốc gia, phương tiện đo lường đo lường hiện có của nhau; trao đổi thông tin về các phòng thử nghiệm;…
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong nhấn mạnh: Việt Nam và Palestine không chỉ giới hạn hợp tác trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, trong thời gian tới quan hệ hợp tác này sẽ còn mở rộng trên nhiều lĩnh vực của KH&CN để ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội của từng đất nước.