Lịch cổ đại phơi mình ở Peru

  •  
  • 408

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một công trình được coi là loại lịch tiền sử khổng lồ, được làm bằng những hình khắc sắp xếp theo vòng tròn, tại ngôi đền Cáo ở Buena Vista, Peru.

Hình mặt người cau có

Hình mặt người cau có (Ảnh: yubanet)

Công trình, có từ năm 2.200 trước Công nguyên, là tác phẩm cổ nhất loại này được biết tới ở châu Mỹ. Ở Mexico cũng có những công trình tương tự do người Maya dựng lên nhưng chỉ khoảng 2.000 tuổi.

Nơi đây có thể từng tạo nên khung cảnh ngoạn mục cho người xem vào 4.000 năm trước. Những công trình điêu khắc cao lớn - được làm từ bùn trộn với cỏ khô và trát đất sét - được sơn màu vàng tươi và đỏ.

Robert Benfer, người giám sát dự án và là nhà nhân chủng học tại Đại học Missouri, cho biết ngôi đền và công trình điêu khắc dường như có mối tương quan chiêm tinh học nhằm giúp người dân theo dõi mùa màng.

Những sự kiện như mặt trời lặn và mọc vào lúc điểm phân và điểm chí có thể tạo nên những đường thẳng nối các điểm từ cổng ra vào của đền, tới những hình khắc và các căn phòng.

Trong những phòng này, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều vật dụng được dùng trong nghi lễ tôn giáo như hạt bông, quả ổi, bầu, bí, đậu và cỏ. Trong một cái hố ở trung tâm ngôi đền còn chứa vỏ sò, vỏ ốc, cua và xương cá. Những vật dụng này có thể được dâng lên các vị thần để cầu mong tránh khỏi các hiện tượng siêu nhiên.

Nhóm nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu của việc hiến tế người, nhưng họ phát hiện một xác ướp phụ nữ trong tư thế bào thai. Người Andea có truyền thống chôn người chết ở những nơi linh thiêng.

Vật thể kỳ lạ nhất được tìm thấy ở ngôi đền là một chiếc đĩa lớn có hình mặt người cau có lại khi mặt trời lặn vào ngày 21/6, ngày bắt đầu mùa gặt. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hugo Ludeña tại Đại học Federico Villarreal cho rằng, mặt người nhăn nhó đại diện cho Pacha Mama, bà mẹ trái đất trở nên buồn khi mặt trời lặn.

Theo VietNamNet, Vnexpress
  • 408