Hàng thế kỷ trôi qua và khi lịch sử mất sợi dây nối kết với cội nguồn của nó, các sự thật có thể bị bóp méo, mất mát hoặc loại bỏ. Và đôi khi, ngay cả những nhà sử học cẩn trọng nhất cũng có thể mất đi cái nhìn về sự thật.
Một số truyền thuyết là những giai thoại chỉ đơn thuần gia tăng thêm màu sắc cho một nhân vật nổi tiếng. Chẳng hạn như, chúng ta đã nghe tất cả George Washington có răng bằng gỗ. Trong thực tế không phải vậy dù ông có mang răng giả.
Tuy nhiên, một số chuyện hoang đường khác khác lại tập trung tô vẽ câu chuyện về một nhân vật lịch sử nhiều đến mức xa rời thực tế. Ví dụ như, Isaac Newton đã không phát hiện ra lực hấp dẫn sau khi bị một quả táo rơi trúng vào đầu. Dẫu vậy, do Newton thường sử dụng táo như là công cụ để giải thích lực hấp dẫn nên chúng ta mới có câu chuyện nhầm lẫn về sự ra đời của định luật vận vật hấp dẫn. Hãy cùng tạp chí Discovery điểm lại một số lầm tưởng lớn về lịch sử thế giới.
Theo một nhóm các nhà khảo cổ học Italia, nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo chưa bao giờ tới châu Á. Thay vào đó, những câu chuyện về chuyến du hành của Marco Polo tới châu Á chỉ là chuyện thêu dệt từ các bạn thương nhân mà ông đã gặp ở Hắc hải.
Một bài báo trên tờ Daily Mail thậm chí còn nhấn mạnh, Marco Polo, nhà thám hiểm nổi tiếng với cuộc hành trình huyền thoại vào khu vực châu Á, thực chất chỉ là một "kẻ bịp bợm" vì dường như chính ông đã dựng chuyện về thành tích của mình.
Nếu thuộc dạng "thấp bé nhẹ cân", nhiều người sẽ cảm thấy được an ủi khi được người khác ví là có tầm vóc của Napoleon (Bonaparte) - vị tướng và hoàng đế huyền thoại của Pháp, nhân vật được cho là có cơ thể nhỏ bé nhưng được bù đắp bằng tham vọng và tài năng hơn người. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Napoleon không hề thấp. Trong thực tế, ông chỉ được ghi nhận là có chiều cao 1m57 theo một hệ thống đo đếm kiểu cũ của Pháp, nhưng khi quy đổi tương đương sang tiêu chuẩn hiện đại thì phải đạt 1m68 - mức chiều cao không thể được quy là lùn đối với một nam giới thuộc thế hệ của ông.
Benjamin Franklin xứng đáng được tôn phong với nhiều danh hiệu. Ông là một trong những người sáng lập ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, một nhân vật chủ chốt của thời kỳ khai sáng, một nhà ngoại giao và còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, có một thành tựu thường bị gắn nhầm với Franklin là việc ông đã khám phá ra điện. Mặc dù là một nhà khoa học tài năng đã tiến hành thí nghiệm về điện nhưng Franklin không phải là đầu tiên mô tả hoặc phát hiện các thuộc tính của điện và từ tính.
Việc mô tả đầu tiên về từ tính đã có từ cách đây gần 2.600 năm, khi triết gia kiêm nhà toán học người Hy Lạp Thales thành Miletus quan sát được sắt bị hút vào một cục nam châm nhưng lại quy hiện tượng đó là do kim loại có linh hồn. Những nỗ lực đầu tiên nhằm giải thích lực hút này bằng các căn cứ khoa học đã xuất hiện hàng trăm năm sau đó. William Gilbert, một nhà khoa học Anh sống trong thế kỷ 16 và được Galileo hết lời ca ngợi, đã đưa ra một số nguyên tắc cơ bản của điện và từ tính, kể cả việc bản thân Trái đất đã sản sinh ra một từ trường.
Chúng ta vẫn thường bị huyễn hoặc rằng, Albert Einstein - một người tiên phong trong lĩnh vực vật lý hiện đại, cha đẻ của thuyết tương đối và một trong những bộ óc vĩ đại nhất của mọi thời đại, học dốt toán khi còn nhỏ. Thực tế không phải vậy. Theo thú nhận của chính Einstein, ông từng cân nhắc trở thành nhà toán học thay vì muốn làm chuyên gia vật lý. Vậy sự lầm tưởng bắt nguồn từ đâu?
Tiến sĩ Karl S. Kruszelnicki, một nhà bình luận khoa học nổi tiếng trên kênh phát thanh và truyền hình Australia, nhận định nó có thể đơn giản xuất phát từ hệ thống cho điểm khi Einstein còn đi học. Thời điểm Einstein còn ngồi trên ghế nhà trường, hệ thống đánh giá xếp hạng học sinh theo một thang điểm từ 1 đến 6, trong đó 1 là mức điểm cao nhất và 6 là thấp nhất. Không lâu sau khi Einstein rời trường, hệ thống chấm điểm này bị đảo ngược với 6 là mức điểm cao nhất mà một học sinh có thể giành được. Do đó, bất kỳ ai nhìn vào bảng điểm của Einstein sau sự thay đổi này có thể có ấn tượng rằng ông là một học sinh kém theo hệ thống chấm điểm hiện đại hơn.
Có thực các lao động nô lệ đã tạo dựng nên các kim tự tháp Giza lừng danh? Mặc dù đó là một phần ghi chép phổ biến về sự ra đời của các hầm mộ dành cho hoàng gia Ai Cập cổ đại này nhưng nơi chôn cất những người xây dựng kim tự tháp lại hé lộ rằng họ là những công nhân được trả lương và được kính trọng vì công việc của mình. Herodotus, nhà sử học Hy Lạp cổ đại, đã tạo ra lầm tưởng rằng các nô lệ đã xây dựng các kim tự tháp và huyền thoại này tiếp tục bị khuếch đại trong sách vở và phim ảnh hư cấu của tương lai.
Sau cái chết của người tình Marc Antony và thất bại không thể tránh khỏi trước người La Mã do Octavian Caesar lãnh đạo, nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã tự sát bằng cách cho phép một con rắn độc cắn mình. Đây là phần ghi chép được đông đảo chấp nhận về những khoảnh khắc cuối cùng của Cleopatra, nhưng câu chuyện thực tế có thể phức tạp hơn nhiều.
Trong thực tế, theo tác giả cuốn "Cleopatra: Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập", một vết rắn cắn là một phương pháp tự tử đầy rủi ro với xác suất thất bại cao. Thêm vào đó, việc đưa lậu rắn qua mặt Octavian, kẻ đã ra lệnh cho các lính canh phải cảnh giác việc Cleopatra tự tử, sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, không có bất kỳ con rắn nào từng được tìm thấy.
Các sự kiện này chắc chắn đã làm tăng thêm kịch tính cho cái chết của Nữ hoàng Ai Cập. Tuy nhiên, theo một nhà sử học Đức, người đã nhờ tới sự trợ giúp của một chuyên gia chất độc trong nghiên cứu của mình, một ly rượu độc hỗn hợp nhiều khả năng nhất là nguyên nhân khiến Cleopatra tử vong.
Cassius Dio, một nhà sử học La Mã sống sau Cleopatra 200 năm, mô tả cái chết của bà là yên bình và không đau đớn. Với các triệu chứng của một vết rắn cắn bao gồm nôn mửa và suy hô hấp thì một ly thuốc độc dường như phù hợp hơn với chi tiết này.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Antonio Salieri và Wolfgang Amadeus Mozart là những kỳ phùng địch thủ căm ghét nhau đến nỗi nhà soạn nhạc Italia đã rắp tâm giết hại thần đồng âm nhạc Áo. Tuy nhiên, trong thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai nghệ sĩ tài danh này đặc biệt gay gắt. Mặc dù Mozart công khai đả kích Salieri nhưng các ghi chép từ thời đại của hai người dường như chỉ ra rằng Salieri ủng hộ công việc của Mozart.
Tin đồn rằng Salieri đầu độc Mozart có thể bắt nguồn từ chính bản thân nhà soạn nhạc Italia. Rất lâu sau khi Mozart qua đời, Salieri - khi đó đã già cả - đã "tự cáo buộc bản thân đầu độc Mozart" vào năm 1823. Giuseppe Carpani, một người bạn của Salieri, đã thuê một bác sĩ tìm hiểu sự việc và Salieri cuối cùng được giải oan.
Dẫu vậy, sự hiểu lầm còn mãi. Ra đời năm 1830, chỉ 5 năm sau cái chết của Salieri, vở kịch opera "Mozart và Salieri" đã làm sống dậy những đồn thổi và hư cấu về cách thức một Salieri đầy ghen tị đã âm mưu hủy hoại một Mozart tài năng như thế nào. Những khắc họa về sau về mối quan hệ giữa hai nhà soạn nhạc tiếp tục lấy cảm hứng từ vở opera trên và truyền thuyết về sự đối đầu không bao giờ mất đi.
Quý bà Godiva là một phụ nữ quý tộc Anh hồi thế kỷ 11 và tên tuổi còn được nhắc đến mãi về sau vì một lý do: Theo truyền thuyết, bà đã đi khắp các lãnh địa của chồng mình ở Coventry, Anh trong trạng thái khỏa thân nhằm phản đối việc sưu cao thuế nặng. Tuy nhiên, các nhà sử học thời trung cổ đều nhất trí với nhau rằng chuyến đi như vậy nhiều khả năng chưa bao giờ xảy ra. Truyền thuyết chỉ xuất hiện khoảng 200 năm sau cái chết của Godifu - một phụ nữ quý tộc được cho là nguyên mẫu của Quý bà Godiva. Dẫu vậy, huyền thoại về Quý bà Godiva ra đời như thế nào và tại sao tên tuổi của bà lại gắn với lịch sử hiện vẫn còn là một bí mật.