Liệu có thể chống sét đánh bằng tia laser?

  •  
  • 272

Có thể bạn chưa biết, không phải bất kỳ tia sét nào đánh xuống đất đều hướng về phía cột thụ lôi.

Cột thu lôi hiện đang bảo vệ các tòa nhà bằng cách tạo ra một cầu nối điện trở thấp để sét từ các đám mây tới mặt đất.

Nhưng thực tế là vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa các cột thu lôi và các đám mây - và không có gì đảm bảo rằng các tia sét sẽ đánh trúng cột thu lôi thay vì các cao điểm khác.

Trong quá khứ, người ta đã thành công trong việc thử tạo ra một cầu nối bằng cách khai hỏa các tên lửa nhỏ đưa dây cáp dẫn điện lên các đám mây - nhưng điều này khó có thể triển khai trong thực tế do tốn kém.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Châu Âu đã quyết định rằng họ sẽ hướng tia sét tới các cột thu lôi trên tháp viễn thông lớn Säntis, nơi thường bị sét đánh khoảng 100 lần một năm ở Thụy Sĩ. Và bí mật của họ là sử dụng tia laser để tạo ra một "con đường".


Các nhà khoa học nghiên cứu dùng tia laser để dẫn đường cho tia sét. (Ảnh: Arstechnica.com).

Sử dụng tia laser để dẫn đường cho tia sét là một ý tưởng cũ, từng xuất hiện trong các tài liệu khoa học vào những năm 1970.

Một chùm tia laser cường độ cao sẽ có tác động tới vùng không khí mà nó đi qua - cụ thể là các phân tử hấp thụ ánh sáng sẽ nóng lên và bị đẩy ra ngoài - tạo ra khu vực áp suất thấp.

Điều quan trọng là nhiều phân tử nằm trong khu vực áp suất thấp này được tích điện, tạo ra một đường dẫn cho tia sét.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một tia laser có tần số 1 kiloHertz và sau hơn 6 giờ thử nghiệm, đã có 4 lần tia sét di chuyển dọc theo "con đường" tới cột thu lôi.

Mặc dù thử nghiệm không dẫn tới kết luận rằng toàn bộ các tia sét có thể được dẫn tới cột thu lôi nhưng về lâu dài nghiên cứu có thể tìm ra cách đảm bảo an toàn cho các công trình quan trọng.

Cập nhật: 17/01/2023 Tổ Quốc
  • 272