Loài ăn nhựa ở rãnh đại dương sâu nhất thế giới

  •  
  • 823

Các nhà khoa học phát hiện một loài động vật biển mới ở rãnh Mariana tại Thái Bình Dương có chứa rác thải nhựa trong cơ thể.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Newcastle, Anh, tìm thấy loài giáp xác thuộc bộ giáp mềm ở rãnh Mariana tại độ sâu khoảng 6.096 m, theo báo cáo công bố đầu tháng 3 trên tạp chí Zootaxa. Rãnh Mariana dài 2.543 km nằm ở phía tây Thái Bình Dương, có độ sâu khoảng 10.973 m. Nhưng ngay cả những động vật sống trong môi trường cực hạn và hẻo lánh này cũng không miễn nhiễm trước tác động của ô nhiễm rác thải nhựa.

Eurythenes plasticus.
Eurythenes plasticus. (Ảnh: Newsweek).

Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều mẩu nhựa li ti gọi là vi nhựa trong cơ thể loài động vật giáp mềm chưa biết tới trước đây. Họ phân loại vật liệu này là polyethylene terephthalate (PET), loại nhựa phổ biến được sử dụng rộng rãi trong đóng gói thực phẩm và nước uống. Vì vậy, nhóm nghiên cứu quyết định đặt tên cho loài mới là Eurythenes plasticus nhằm nhấn mạnh nhu cầu hành động ngay lập tức để ngăn sự lan tràn của rác thải nhựa dưới đại dương. Theo Alan Jamieson, nhà sinh thái học biển, trưởng nhóm nghiên cứu, E. plasticus là một trong 240 động vật được ghi nhận tiêu hóa nhựa.

Vi nhựa trong bụng của Eurythenes plasticus.
Vi nhựa trong bụng của Eurythenes plasticus. (Ảnh: Newsweek).

"Phát hiện là minh chứng cho thấy mức độ ô nhiễm rác thải nhựa. Các loài ở môi trường biển xa xôi đang gánh chịu hậu quả từ hoạt động của con người", Jamieson chia sẻ.

Vi nhựa đang trôi nổi trong các đại dương trên khắp thế giới. Một nghiên cứu năm 2015 phát hiện khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Sau khi hòa vào nước, rác thải nhựa có thể phân hủy thành những mẩu nhỏ hơn, cuối cùng biến thành vi nhựa mà động vật biển tiêu hóa thường xuyên. Theo Jamieson, việc tiêu hóa các mẩu nhựa có thể dẫn tới nghẽn ruột và hấp thụ hóa chất độc hại bám vào nhựa trong nước.

Cập nhật: 10/03/2020 Theo VnExpress
  • 823