Loài bọ sát thủ vác xác côn trùng trên lưng để ngụy trang

  •  
  • 223

Bọ sát thủ Acanthaspis petax đeo "ba lô" làm từ xác côn trùng, giúp chúng ngụy trang khi săn mồi hoặc đánh lạc hướng kẻ thù khi cần chạy trốn.

Ở khu vực phía đông châu Phi và châu Á, một loài côn trùng có cơ chế ngụy trang đặc biệt: Dùng xác của những con côn trùng khác để che cơ thể. Với tên khoa học Acanthaspis petax, loài côn trùng này là bọ sát thủ - thuật ngữ dùng để chỉ hàng nghìn loài côn trùng có khả năng đâm con mồi rồi hút dịch. Acanthaspis petax cũng làm được điều này, nhưng phương pháp săn mồi và tránh bị săn khiến nó trở nên nổi bật trong thế giới bọ sát thủ, Newsweek hôm 31/10 đưa tin.

 Bọ Acanthaspis petax với xác kiến trên lưng.
Bọ Acanthaspis petax với xác kiến trên lưng. (Ảnh: Kurt/Orionmystery)

Các nhà nghiên cứu côn trùng cho biết, Acanthaspis petax có xu hướng di chuyển với một chiếc "ba lô" trên mình. Ba lô đôi khi làm từ thực vật, khi khác lại được tạo ra từ xác côn trùng rỗng. Nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nó phục vụ một mục đích quan trọng cho Acanthaspis petax.

"Theo tôi biết, Acanthaspis petax chủ yếu ăn kiến. Kiến có tính xã hội cao và giao tiếp rộng rãi nhờ các chất hóa học. Tôi cho rằng những con bọ sát thủ này cố gắng ngụy trang trước kiến bằng hóa chất, nếu không kiến sẽ sử dụng một biện pháp phòng thủ rất hiệu quả", Andrew Deans, giáo sư khoa côn trùng học tại Trường Khoa học Nông nghiệp thuộc Đại học Bang Pennsylvania, giám đốc Bảo tàng Côn trùng học Frost, cho biết.

Ba lô thực vật hoặc côn trùng chết cũng có thể đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ. Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đã khiến bọ Acanthaspis petax phải đối đầu với những kẻ săn mồi tiềm năng và nhận thấy rằng việc ngụy trang làm cho kẻ săn mồi bối rối.

Họ cũng lưu ý rằng con bọ có thể thả ba lô ra nếu bị đe dọa. Chiếc ba lô lúc này sẽ đóng vai trò đánh lạc hướng, giúp nó trốn thoát. Trong trường hợp đó, ba lô phục vụ mục đích tương tự đuôi thằn lằn, có thể tách rời để thằn lằn chạy khỏi những kẻ săn mồi.

Acanthaspis petax có thể mang theo 20 con kiến cùng lúc, tất cả kết dính với nhau nhờ một chất dính. Tuy nhiên, chúng không phải là loài côn trùng duy nhất lấy xác các côn trùng khác để ngụy trang.

"Ấu trùng bọ cánh gân xanh cũng sử dụng chiến thuật này - ngụy trang bằng xác. Cơ thể chúng phủ đầy lông và nốt sần giúp giữ chặt xác rệp. Chúng có thể hành động giống như "sói đội lốt cừu", săn rệp mà không phải gánh chịu hậu quả", Deans cho biết.

Cập nhật: 02/11/2022 VnExpress
  • 223