Loài rắn độc chỉ có trên một hòn đảo nhỏ của Việt Nam

  •  
  • 1.395

Tại Việt Nam có tồn tại một loài rắn độc đặc hữu, chỉ sống trên một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Kiên Giang.

Loài rắn độc đặc hữu chỉ sống trên Hòn Sơn

Hòn Sơn, còn được gọi là hòn Sơn Rái, là một đảo thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Hòn đảo này có diện tích 11,5km2, nằm trong vịnh Thái Lan, cách thành phố Rạch Giá 65km về phía Tây.

Hòn Sơn có địa hình đa dạng, bao gồm núi, rừng và những bãi biển cát trắng mịn. Hòn Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, nước biển trong xanh và các hoạt động du lịch sinh thái hấp dẫn như leo núi, ngắm bình minh trên đỉnh Ma Thiên Lãnh cao 450m, tắm biển và khám phá làng chài.

Hòn Sơn hiện đã là một điểm du lịch được nhiều người yêu thích
Hòn Sơn hiện đã là một điểm du lịch được nhiều người yêu thích (Ảnh: Thamhiemmekong).

Đặc sản của đảo bao gồm hải sản tươi ngon và nước mắm truyền thống. Đời sống ngư dân trên đảo cũng tạo nên sự thân thiện và bình dị, mang đến cho du khách cảm giác gần gũi, thư thái khi khám phá nét đẹp văn hóa miền biển.

Với khí hậu ôn hòa quanh năm, Hòn Sơn đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm kiếm một trải nghiệm yên bình và gần gũi với thiên nhiên.

Ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tại Hòn Sơn còn tồn tại một loài rắn độc đặc hữu, chỉ sinh sống trên hòn đảo này. Đó là loài rắn lục Hòn Sơn.

Rắn lục Hòn Sơn, còn được người dân địa phương gọi là rắn hột mè, có tên khoa học Trimeresurus honsonensis. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 2008 bởi 3 nhà sinh vật học Ngô Văn Trí (Viện Sinh học Nhiệt đới Việt Nam), Larry Lee Grismer (Đại học La Sierra, Mỹ) và Jesse Leland Grismer (Đại học Kansas, Mỹ).

Do đây là loài rắn đặc hữu và chỉ được tìm thấy trên Hòn Sơn nên được đặt tên khoa học theo tên của hòn đảo này.

Một cá thể rắn lục Hòn Sơn với màu sắc rực rỡ và hoa văn đẹp mắt
Một cá thể rắn lục Hòn Sơn với màu sắc rực rỡ và hoa văn đẹp mắt (Ảnh: Nguyễn Minh Phú).

Giống các loài thuộc họ rắn lục khác, rắn lục Hòn Sơn sở hữu đầu lớn hình tam giác, phần đầu phân biệt rõ với cổ và thân. Nổi bật trên đầu của chúng là đôi mắt màu nâu hoặc cam rực rỡ.

Loài rắn này có kích thước tương đối nhỏ, những con đực trưởng thành dài tối đa 80cm, nặng từ 150 đến 200g, trong khi cá thể cái có thể dài đến 100cm và nặng khoảng 300g.

 Rắn lục Hòn Sơn có phần đầu lớn, phân biệt rõ với cổ và thân
Rắn lục Hòn Sơn có phần đầu lớn, phân biệt rõ với cổ và thân (Ảnh: Lowzi_herp).

Mặc dù mang tên "rắn lục", loài rắn này không sở hữu lớp vảy ngoài màu xanh lục. Thay vào đó, chúng sở hữu vẻ bề ngoài đẹp mắt và ấn tượng. Màu sắc của loài rắn này có thể thay đổi, nhưng chúng thường có cơ thể màu xanh lục nhạt, vàng hoặc nâu… với các vệt màu xanh lục đậm hoặc đen vắt ngang thân, tạo nên những vạch sọc hoặc họa tiết không đều nhau.

Đây là một loài rắn có vẻ ngoài đẹp mắt và thu hút, nhưng đừng để những hoa văn này đánh lừa bạn bởi chúng sở hữu nọc độc nguy hiểm.

Lối sống và thức ăn của rắn lục Hòn Sơn

Rắn lục Hòn Sơn là loài dành phần lớn thời gian sống trên cây. Chúng thường được tìm thấy ở những khu vực gần nước như những dòng suối… vì chúng thích môi trường ẩm ướt.

Chúng chủ yếu ăn các loài động vật có vú nhỏ, chim, thằn lằn và ếch. Loài rắn này sử dụng chiến lược săn mồi phục kích, kiên nhẫn chờ đợi con mồi đến gần rồi mới tấn công, tiêm nọc độc vào con mồi và ăn thịt.

Đây là loài rắn lục hoạt động về đêm. Hành vi này giúp chúng tránh được nhiệt độ khắc nghiệt vào ban ngày và tránh được những kẻ săn mồi tiềm tàng ngoài tự nhiên. Vào ban ngày, loài rắn này thường trú ẩn trong các hốc cây hoặc dưới các tán lá rậm rạp… màu sắc cơ thể giúp chúng có thể ẩn náu tốt trong môi trường sống của mình.

Màu sắc của rắn lục Hòn Sơn giúp chúng dễ ngụy trang để lẩn trốn hoặc săn mồi
Màu sắc của rắn lục Hòn Sơn giúp chúng dễ ngụy trang để lẩn trốn hoặc săn mồi (Ảnh: Nguyễn Dương Phúc Nguyên).

Giống các loài rắn lục khác, rắn lục Hòn Sơn là loài đẻ trứng thai (noãn thai sinh), nghĩa là trứng sau khi được thụ tinh vẫn sẽ nằm bên trong ống dẫn trứng của rắn mẹ cho đến khi nở thành rắn con và chui ra ngoài. Hình thức sinh sản này khác với phương thức đẻ con ở chỗ không có kết nối nhau thai giữa mẹ và con và cơ thể của sinh vật mẹ không cung cấp trao đổi khí cho con non.

Rắn non khi chào đời đã có đặc điểm cơ thể như rắn trưởng thành và sở hữu tuyến độc cũng như răng nanh để tiêm nọc.

Rắn lục Hòn Sơn độc đến mức nào?

Rắn lục Hòn Sơn sở hữu nọc độc máu nguy hiểm. Khi bị cắn, nạn nhân sẽ bị đau đớn, phù nề, rối loạn đông máu khiến máu chảy liên tục. Nếu không được chăm sóc y tế kịp thời, có thể dẫn đến hoại tử vết thương hoặc thậm chí thiệt mạng.

Rắn lục Hòn Sơn sở hữu đôi mắt to màu cam hoặc nâu
Rắn lục Hòn Sơn sở hữu đôi mắt to màu cam hoặc nâu (Ảnh: Trần Nguyên Phúc).

Nếu bị rắn cắn, cần lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Giữ nạn nhân nằm yên và cố định phần cơ thể bị cắn, tránh vận động nhiều. Tuyệt đối không ga-rô vết cắn vì điều này sẽ dẫn đến hoại tử vết thương.

Dù rắn lục Hòn Sơn là loài rắn độc, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp kiểm soát số lượng động vật có vú nhỏ và các loài ếch, chim… trong phạm vi chúng sinh sống. Nọc độc của loài rắn này cũng đang được nghiên cứu các đặc tính dược lý để sử dụng điều chế thuốc.

Tình trạng bảo tồn của rắn lục Hòn Sơn

Do rắn lục Hòn Sơn là loài đặc hữu trên một hòn đảo có diện tích nhỏ, nên chúng khá hiếm gặp và kích cỡ quần thể nhỏ. Môi trường sống của loài rắn này cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các hoạt động khai thác du lịch, làm đường… của con người.

Hiện loài rắn này được xếp vào danh sách "động vật dễ bị tổn thương" trong sách đỏ Việt Nam, thuộc loài động vật rất dễ bị đe dọa tuyệt chủng nếu có tác động tiêu cực đến sinh cảnh sống hoặc bị săn bắt làm sinh vật cảnh.

Cập nhật: 08/10/2024 Dân Trí
  • 1.395