Các nhà khoa học vui mừng tiết lộ hai loài khoa học mới và một phân loài sa giông (hay còn gọi là cá cóc) cá sấu mới được phát hiện gần đây ở miền Bắc Việt Nam.
Thật không may – nhưng cũng chẳng ngạc nhiên – khi những loài dễ thương một cách kỳ lạ này đã gặp phải nguy hiểm gấp ba do các nguyên nhân từ ngành y học cổ truyền, mất môi trường sống và buôn bán thú cưng.
Báo cáo trên tạp chí ZooKeys, một nhóm các nhà khoa học Đức và Việt Nam đã nghiên cứu một số mẫu động vật được thu thập trong các cuộc khảo sát thực địa gần sông Đà, hay còn gọi là sông Đen, ở miền Bắc Việt Nam. Dựa trên so sánh di truyền và hình thái học, họ đã phát hiện ra hai loài (Tylototriton pasmansi và Tylototriton sparreboomi) và một phân loài (Tylototriton pasmansi obsti) chưa từng được các nhà khoa học biết đến trước đây, khiến cho tổng số các loài sa giông cá sấu đã được nhận biết ở Việt Nam tăng lên thành bảy loài.
Hai loài và một phân loài sa giông cá sấu mới (từ trên xuống) được phát hiện ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam. (Ảnh: ZooKeys).
Từ đuôi đến mõm chỉ dài từ 12 đến 15 cm, ba thành viên mới này được đặc trưng bởi làn da sần sùi tối màu và đôi mắt to tròn. Các nhà nghiên cứu tin rằng những con sa giông cá sấu này từng được nhìn thấy trước đây nhưng thường bị nhầm với loài cá cóc sần (Tylototriton asperrimus). Hóa ra, loài này thực sự chỉ sống ở một khu thuộc miền nam Trung Quốc.
Tất cả các thành viên của chi Tylototriton, còn gọi là cá cóc bướu, đã thu hút sự chú ý của những người buôn bán các loại thú cưng kỳ lạ và những người làm y học cổ truyền Trung Quốc. Trên hết, chi này cũng bị đe dọa vì mất môi trường sống do quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường canh tác nông nghiệp. Do đó, cá cóc sần là loài gần bị đe dọa theo sách đỏ của IUCN.
Tuy nhiên, sự phát triển mới này cho thấy chúng có thể khan hiếm hơn so với niềm tin trước đây. Mặc dù việc phát hiện các loài mới này có vẻ là một chiến thắng lớn về đa dạng sinh học, nhưng thực tế điều đó có nghĩa là hiện nay loài cá cóc sần đang bị chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một môi trường sống hẹp hơn.
Các nhà nghiên cứu đã viết trong bài báo của họ rằng: “sự phân tách phân loại của một loài phổ biến rộng rãi thành nhiều loài có phạm vi nhỏ hơn… có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng bảo tồn của loài ban đầu”.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề nghị đánh giá lại tình trạng gần bị đe dọa của cá cóc sần T. asperrimus sensu để phản ánh các thay đổi về phân loại học và các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi hoạt động buôn bán quốc tế và mất môi trường sống đã diễn ra trong thập kỷ qua.