Loại vitamin quen thuộc giúp giảm nguy cơ tử vong sớm

  •  
  • 249

Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Mỹ và Israel phát hiện bổ sung axit folic (hay vitamin B9) có thể giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và tử vong sớm.

Theo Telegraph, các học giả từ trường Y Icahn (New York, Mỹ) và Đại học Haifa (Israel) nhận thấy những người lớn tuổi có hàm lượng vitamin B9 thấp dễ mắc chứng sa sút trí tuệ hơn. Mức độ thấp của vitamin này cũng liên quan nguy cơ tử vong sớm.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evidence Based Mental Health, dựa vào dữ liệu của hơn 27.000 người từ 60 đến 75 tuổi tại Israel. Những người này đều không có tiền sử sa sút trí tuệ trước khi tham gia dự án và được lấy mẫu để xem có bị thiếu vitamin B9 không. Họ được theo dõi từ tháng 1/2013 đến tháng 10/2017. Khoảng 3.418 người tham gia bị thiếu chất này.

Những thực phẩm giàu vitamin B9.
Những thực phẩm giàu vitamin B9.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thiếu điều đó có liên quan nguy cơ cao mắc chứng sa sút trí tuệ và tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.

Trong số những người thiếu vitamin B9, tỷ lệ mắc chứng mất trí được ước tính là 7,96/10.000 người/năm. Con số này ở người tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào được ước tính là 19,2/10.000/năm.

Tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ ước tính là 4,24 và tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào là 5,36/10.000 người/năm ở những người không thiếu chất này.

Tính theo tỷ lệ phần trăm, tỷ lệ sa sút trí tuệ là gần 3,5% và tử vong do mọi nguyên nhân chỉ dưới 8% ở những người bị thiếu vitamin B9. Con số này so với tỷ lệ sa sút trí tuệ chỉ hơn 3% và tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào là gần 4% ở những người không bị thiếu chất này.

Sau khi tính đến các yếu tố có khả năng ảnh hưởng như bệnh tiểu đường, trầm cảm, suy giảm nhận thức, thiếu vitamin B12, hút thuốc và sử dụng các chất bổ sung axit folic, người thiếu vitamin B9 có nguy cơ được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 68%. Đặc biệt, nguy cơ tử vong sớm vì bất kỳ nguyên nhân nào ở người thiếu chất này cao gấp 3 lần.

Vitamin B9 giúp cơ thể tạo ra những tế bào hồng cầu khỏe mạnh và đã được tìm thấy trong một số thực phẩm. Những thực phẩm có nguồn axit folic dồi dào gồm rau chân vịt, rau diếp cá, đậu bắp, măng tây, củ cải, bông cải xanh, cải bruxen, rau bina; các loại hạt như đậu khô, đậu hà lan, men, nấm. Ngoài ra, nhiều trái cây như chuối, dưa gang, chanh, nước ép cam, bưởi hay gan, thận bò cũng chứa chất này.

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung axit folic để giúp não, hộp sọ, tủy sống thai nhi phát triển đúng cách, khỏe mạnh.

Tháng 9/2021, chính phủ Anh thông báo axit folic sẽ được thêm vào bột mì không nguyên cám trên khắp quốc gia này. Mục đích là giúp ngăn ngừa các vấn đề cột sống ở trẻ sơ sinh. Ước tính việc bổ sung axit folic vào thực phẩm làm từ bột mì như bánh mì, sẽ giúp tránh được khoảng 200 dị tật ống thần kinh mỗi năm.

Nghiên cứu mới cho thấy chính sách này có thể mang tới nhiều lợi ích hơn. Hầu hết người lớn và trẻ em đều có thể bổ sung axit folic. Tuy nhiên, những người bị ung thư, thiếu hụt vitamin B12, đang chạy thận nhân tạo và đặt stent tim nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung chất này.

Cập nhật: 18/03/2022 Theo Zing
  • 249