Phi hành gia trong tương lai có khả năng truyền video giữa các sao nhờ lực hấp dẫn của Mặt Trời.
Nhà vật lý thiên văn học Michael Hippke trong một nghiên cứu đề xuất sử dụng lực hấp dẫn của Mặt Trời để truyền video giữa các sao, với khoảng cách truyền xa bằng khoảng cách từ Trái Đất đến hệ sao Alpha Centauri cách 4 năm ánh sáng, Mother Nature Network ngày 1/7 đưa tin.
Hippke tính toán con người cần đặt một thấu kính đường kính một mét ở điểm cách Mặt Trời khoảng 90 tỷ km, vị trí tiếp âm tín hiệu với hiệu suất tối đa nhờ hiệu ứng thấu kính hấp dẫn từng được Albert Einstein dự đoán. Không gian bị bẻ cong quanh một vật thể lớn, như Mặt Trời, có thể khuếch đại tín hiệu.
Lực hấp dẫn của Mặt Trời có thể được sử dụng để khuếch đại tín hiệu trong vũ trụ. (Ảnh minh họa: Reuters).
Nếu lắp đặt trên Trái Đất, một thiết bị với khả năng truyền tín hiệu mạnh tương tự cần một khu vực có đường kính khoảng 53km, lớn hơn khu vực thành phố New York, Mỹ.
Phương pháp này không yêu cầu phát triển kỹ thuật mới song vấp phải trở ngại ở cự ly 90 tỷ km từ Mặt Trời. Khoảng cách xa nhất một phi thuyền từng bay được từ Trái Đất là 20,8 tỷ km. Kỷ lục này thuộc về phi thuyền Voyager 1, đạt được sau 40 năm bay. Ở khoảng cách gần hơn, bất kỳ sự khuếch đại tín hiệu nào cũng bị Mặt Trời chặn lại.
Slava Turyshev, nhà vật lý học tại Phòng thí nghiệm Động cơ Đẩy của NASA, cho rằng phương án của Hippke dù nhiều thách thức nhưng không phải là bất khả thi. "Việc này dễ thực hiện hơn việc lắp đặt một kính viễn vọng vũ trụ Hubble", Hippke cho biết.
Phát triển kỹ thuật này sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống tiếp tín hiệu của các sứ mệnh thám hiểm vũ trụ giữa các sao ở tương lai. Không có khuếch đại tín hiệu, con người sẽ phải lắp đặt các kính viễn vọng khổng lồ trên Trái Đất và phóng đi các phi thuyền đủ lớn để mang theo nguồn năng lượng khổng lồ.